Năm 2012 vẫn chưa qua, nhưng trên bao bì của hơn 720.000 sản phẩm sữa đậu nành các loại lại in ngày sản xuất là 10/4/2013, 1/6/2013, 10/4/2014… và hạn sử dụng 180 ngày kể từ ngày sản xuất. Phải chăng cơ sở sản xuất này đã "khai sinh" các loại sữa đậu nành sau khi "khai tử"?
Năm 2012, ngày sản xuất 2013, 2014?
Hai sản phẩm sữa đậu nành và sữa đậu nành hương ngô thu giữ được tại cơ sở sản xuất
Trong đợt kiểm tra, khám xét do Đội 6 Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13, hai cơ sở sản xuất sữa đậu nành, sữa đậu nành hương ngô là cơ sở sản xuất Hồng Hà và Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Đông Á, trú tại xóm Dốc Lã, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, HN, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu hồi tổng cộng 2.400 thùng sữa đậu nành các loại, tương đương khoảng 732.720 sản phẩm, vì không đăng ký, công bố nhãn hiệu và có sai phạm trong quá trình in ngày sản xuất
Cụ thể, đối với cơ sở sản xuất sữa đậu nành của Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Đông Á có quy mô rất lớn. Thu giữ tại hiện trường có hơn 2.000 thùng sữa các loại (tương đương khoảng 720.000 sản phẩm).
Được biết, công ty này thành lập từ năm 2002, do ông Nguyễn Trường Minh làm giám đốc. Sai phạm của công ty Đông Á là mặc dù có giấy phép sản xuất kinh doanh sữa đậu nành, nhưng với nhãn hiệu sữa đậu nành hương ngô do cơ sở mới sản xuất đã không đăng ký và nghiễm nhiên sử dụng công bố của nhãn hiệu sữa đậu nành. Nghiêm trọng hơn, việc in ngày sản xuất trên bao bì sản phẩm đã thể hiện sự gian dối khi Công ty này lấy ngày sản xuất là 10/4/2013, 1/6/2013, 10/4/2014 mặc dù năm 2012 vẫn chưa qua.
Với túi sữa này thì có NSX là năm 2013
“Không thể hiểu nổi, cùng một lô hàng nhưng có đến 4 ngày sản xuất khác nhau. Cái thì ghi 10/4/2013, 10/6/2013, thậm chí có gói còn in NSX là 10/4/2014. Bây giờ vẫn là năm 2012, thế thì đơn vị ghi NSX là năm 2013, 2014 là cái kiểu gì?” – Ông Nguyễn Ngọc Hà (Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 13) bức xúc chia sẻ.
Khi hỏi về ngày sản xuất thực sự của hơn 2.000 thùng sữa đậu nành, ông Nguyễn Trường Minh cho biết: lô hàng được sản xuất cách đây 2 tháng. Do thực tế, HSD chỉ được 180 ngày, mà hiện tại đang là mùa đông, lo sợ không thể bán hết được nên phải ghi ngày sản xuất như thế để… “bù trừ”.
“Đây là sai phạm rất nghiêm trọng, ngày sản xuất linh tinh, không có ngày sản xuất đích thực nên tiềm ẩn rất nhiều nguy hại đến sức khỏe người dân. Chưa tính đến chất lượng bên trong, vì theo ông Minh khai nhận là đã ngưng sản xuất từ hơn 1 tháng nay, bởi trời lạnh, nhu cầu không nhiều, các nguyên liệu cũng không còn nên chúng tôi chưa thể kiểm tra, giám sát được. Nhưng mới nguyên việc đề ngày sản xuất gian dối, không rõ ràng đã là không thể chấp nhận được rồi” – Ông Hà cho biết.
Thực tế, với việc "khai sinh" sau khi "khai tử" này là một sự gian dối thương mại, đánh lừa người tiêu dùng vì lợi nhuận trước mắt mà không màng đến sức khỏe của cộng đồng. Phải chăng, đó cũng là một "xu hướng kinh doanh mới" của các đơn vị sản xuất vốn ưa chuộng nguyên liệu Trung Quốc và không chấp nhận sự rủi ro?
Máy dập hỏng nên… ngày sản xuất hơi mờ?
Còn đối với cơ sở sản xuất Hồng Hà (trú tại số 42 Yên Thường, Dốc Lã, Gia Lâm, HN) do bà Nguyễn Thị Xuân làm chủ. Sai phạm tại cơ sở sản xuất Hồng Hà cũng giống như Công ty Đông Á là không đăng ký nhãn hiệu sữa đậu nành hương ngô và NSX được in trên bao bì cũng rất “nhập nhèm”.
Với 350 thùng sữa tại cơ sở (tương đương khoảng 12.720 sản phẩm), hầu hết ngày sản xuất, hạn sử dụng đều không rõ ràng, hoặc không có NSX. Có sản phẩm thì in dập, có sản phẩm thì ghi bằng bút mực nhưng phần lớn người xem đều không thể đọc được ngày sản xuất.
Là do máy dập của chúng tôi bị hỏng nên nhìn ngày sản xuất không được rõ lắm?
“Là do máy dập của chúng tôi bị hỏng nên nhìn ngày sản xuất không được rõ lắm. Cũng vì thế mà một số sản phẩm tôi phải ghi ngày sản xuất bằng bút mực” – Bà Xuân phân trần.
Mặt khác, thu giữ tại cơ sở sản xuất của bà Xuân còn phát hiện rất nhiều bao ngô được xếp chồng lên nhau, và để trong góc tối, bẩn, rất mất vệ sinh. Cùng với đó là 2 thùng AcesulfameK – là một loại chất tạo ngọt dùng trong thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Vì đường thông thường không đủ tạo ngọt nên chúng tôi phải dùng thêm loại này?
“Vì đường thông thường không đủ tạo ngọt nên chúng tôi phải dùng thêm loại này. Chất tạo ngọt này tôi mua ở chỗ người quen, gọi điện rồi người ta mang đến” – Bà Xuân cho biết. Nhưng khi hỏi người quen ấy ở đâu thì bà Xuân lại tảng lờ.
Trong biên bản làm việc với Cơ quan điều tra, cả bà Xuân và ông Minh đều khai nhận: toàn bộ số hàng được sản xuất tại công ty là để cung cấp cho các tỉnh gần kề Hà Nội, các tỉnh miền núi như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Sơn La, Lai Châu… là những nơi có trình độ dân trí chưa cao. Giá thành mỗi sản phẩm bán ra dao động từ 2.000 – 3.000 đồng.
Khi được hỏi tại sao không bán tại thị trường Hà Nội để đỡ tốn chi phí vận chuyển, ông Minh cho biết: vì sợ không cạnh tranh được nên không dám.
“Mới nhìn sơ qua đã thấy các cơ sở chưa đảm bảo an toàn vệ sinh, vì bụi bặm, bẩn. Nhưng cả hai cơ sở đều khai nhận đã ngừng sản xuất hơn 1 tháng nay nên đoàn kiểm tra chúng tôi chưa có căn cứ để xử phạt. Chỉ có thể xử phạt những lỗi trước mắt như chưa đăng ký, công bố sản phẩm, ngày sản xuất không rõ ràng.
Tuy nhiên, với sản phẩm và một ít nguyên liệu thu giữ được, chúng tôi sẽ gửi đi kiểm định để có kết quả cuối cùng là trong sản phẩm có chứa những gì, có đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng hay không” – Ông Nguyễn Ngọc Hà trả lời.