Cơ quan quản lý đồng loạt tẩy chay
Không chỉ dừng lại ở những diễn đàn hay những câu lạc bộ như trước, trong tháng 4 này, lần đầu tiên, sàn giao dịch bitcoin tại Việt Nam sẽ chính thức ra đời. Tiếp đó, cuối tháng 5/2015, Hiệp hội Bitcoin Việt Nam cũng sẽ được thành lập.
Những bước đi táo bạo trên khiến dư luận bất ngờ, bởi giá trị đồng bitcoin trên thế giới đang tuột dốc với các sự cố liên tiếp. Tại Việt Nam, ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có văn bản khẳng định không thừa nhận bitcoin là phương tiện thanh toán và cảnh báo nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ, nếu giao dịch bitcoin.
Bà Nguyễn Trần Bảo Phương, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam, đơn vị thành lập sàn giao dịch bitcoin cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch bitcoin là hợp pháp, bởi chưa có văn bản nào cấm sử dụng bitcoin ở Việt Nam. Đồng thời, bà Phương cũng tin tưởng, việc ra mắt sàn giao dịch sẽ khiến đồng bitcoin tại Việt Nam nhanh chóng được mở rộng.
Trong khi Công ty TNHH Bitcoin tự tin với việc lập sàn giao dịch, thì phía cơ quan quản lý nhà nước lại không thừa nhận bitcoin cũng như hình thức kinh doanh đồng tiền này. Không chỉ NHNN không công nhận bitcoin, mà mới đây, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cũng khẳng định, sàn giao dịch bitcoin không được chấp nhận là sàn giao dịch thương mại điện tử.
Được biết, thời gian qua, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đã thông báo website bitcoinvietnam.com.vn theo thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Cục này đã từ chối, do website thương mại điện tử phải là website, mà trên đó người bán phải cung cấp thông tin cho khách hàng để có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ khi quyết định giao kết hợp đồng. Hiện tại, tiền ảo Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết thêm, thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để trục lợi, đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.
Ai được lợi khi canh bạc bitcoin nóng lên?
TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cũng cho rằng, việc cộng đồng nhà đầu tư thành lập các câu lạc bộ hay hiệp hội bitcoin thì không có vấn đề gì, song thành lập sàn giao dịch bitcoin thì cần phải xử lý nghiêm.
Trong khi đó, các luật sư lại cho rằng, hiện NHNN chưa có văn bản nào quy định cấm người dân được mua bán, trao đổi bitcoin hoặc trao đổi hàng hóa bằng bitcoin, do đó, việc kinh doanh bitcoin của các doanh nghiệp hiện chưa phạm luật. Tuy nhiên, trong xu hướng các loại tiền ảo ngày càng bùng nổ, NHNN nên có một văn bản quy định về loại tiền này.
“Đồng bitcoin ở Việt Nam không được pháp luật bảo hộ. Nếu xảy ra rủi ro, thì nhà đầu tư hoàn toàn gánh chịu rủi ro, nhất là nếu đầu tư số tiền lớn vào bitcoin thì không khác gì đánh bạc”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng nhận định.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, việc thành lập các sàn giao dịch bitcoin, các trang web mua bán bitcoin không được pháp luật thừa nhận có thể là hình thức lừa đảo mới. Bởi, nếu sàn giao dịch đổ vỡ, nhà đầu tư sẽ bị mất trắng giống như trường hợp sập sàn giao dịch bitcoin lớn nhất trên thế giới Mt. Gox vừa qua.
Trong khi cơ quan quản lý tẩy chay, chuyên gia lo ngại bitcoin là lừa đảo, thì nhiều ngân hàng Việt Nam cũng tỏ ra rất ngán ngại đồng tiền ảo này. Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho rằng, nếu có quá nhiều người tham gia kinh doanh tiền ảo, thì một phần dòng tiền của các ngân hàng sẽ bị chuyển dịch. Ngoài ra, nếu bitcoin được chấp nhận rộng rãi, doanh thu từ ngoại hối của các ngân hàng cũng sụt giảm mạnh (hiện ngân hàng áp dụng mức phí nhận ngoại hối khá cao, trong khi nếu chuyển bằng bitcoin hầu như miễn phí).
Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là, nếu đồng tiền ảo này phát triển, NHNN sẽ không kiểm soát được dòng tiền trong nền kinh tế. Đặc biệt, dòng tiền ảo này có thể chui vào những lĩnh vực “đen”.