Kinh doanh cố trước thềm năm mới

havan |

Cận kề tất niên, nhiều tiểu thương, sinh viên xa quê vẫn ở lại Hà Nội buôn bán với hi vọng tiêu thụ được hết số hàng đã nhập và kiếm thêm thu nhập.

Quê ở tận Ninh Bình, song sáng 29 Tết, Dương, cô sinh viên năm thứ 3 đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vẫn ở lại Hà Nội bán hàng thuê. Được nghỉ học trước Tết gần 2 tuần, Dương liên hệ với một xí nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, đồ Tết tại Hà Nội và xin làm nhân viên bán hàng. Theo đó, mỗi giờ làm, cô được trả 16.000 đồng, với mỗi ca 6 tiếng, số tiền khoảng 90.000 đồng.

Nhiều người vẫn ở lại Hà Nội đến 29 Tết (30 Tết) để mong bán hết số hàng đã nhập. Ảnh: Xuân Ngọc

"Chục ngày trước Tết, mình kiếm được khoảng một triệu đồng, mang về biếu bố mẹ ăn Tết. Vừa thi hết kỳ xong nên cũng không bận gì cả. Nhưng đã nhận lời bán hàng thì phải làm đến hết sáng 29 Tết nên về quê bằng chuyến xe khách cuối, đến nhà chỉ kịp ăn bữa cơm tất niên với gia đình rồi đón Giao thừa", Dương nói.

Dù vậy, cô sinh viên này cho rằng mình vẫn sướng hơn rất nhiều người. Bạn bè của Dương, những người tự nhập hoa tươi, bưởi, dưa hấu, hoa hải đường, hoa violet, lay ơn... về bán dịp này, thường phải đến 17-18h ngày 29 Tết (30 Tết), khi hết hàng, vãn khách mới bắt đầu khởi hành về quê. "Mình bán thuê cho doanh nghiệp, còn các bạn ý bỏ tiền túi ra nhập, không tiêu thụ hết là lỗ nên bị áp lực hơn mình nhiều", cô nói.

Đứng giơ những cành đào khẳng khiu, đã trổ hoa khá nhiều, mời khách qua đường trên phố Yecxanh, Hà Nội, anh Hưng, quê ở Hải Dương chỉ mong mỏi sớm tiêu thụ hết số hàng đã nhập để trở về với vợ con. Anh kể, năm nay chót nhập nhiều, tính đến ngày 28 Tết, anh vẫn còn gần 30 gốc, đào. Nếu không bán hết, vụ Tết này, anh Hưng lỗ hơn 3 triệu đồng.

Anh cho hay, hôm cuối cùng sát Tết, anh sẽ hạ giá bán tháo, khách chỉ trả hòa vốn anh cũng bán ngay, thu tiền để về quê ăn Tết với gia đình. "Cái khó bó cái khôn, ai chẳng muốn sớm về đoàn tụ, nhưng còn hàng thì còn phải đứng bán, thừa một, 2 cành thì mang về cũng được, chứ hơn chục cành thì không được", anh chia sẻ. Trước khi lên xe về quê, anh Hưng dự tính, sẽ sắm cho mỗi cô con gái ở nhà một bộ quần áo mới để diện Tết.

Bán hàng ngày cuối cùng thường phải giảm giá mạnh. Ảnh: Xuân Ngọc

Không chịu áp lực lớn như vậy nhưng chị Lý, quê Thường Tín, Hà Tây vẫn bám trụ lại Hà Nội tới chiều 29 Tết, bởi công việc thu mua đồng nát của chị khá đắt khách những ngày cận kề năm mới. Những hôm 28, 29 Tết, đa số người đi làm mới được nghỉ, ở nhà dọn dẹp và bán, vứt bớt những vật dụng cũ hoặc không cần thiết. Theo đó, chị lượm lặt và mua được khá nhiều thứ. Chỉ trong vòng 2-3 hôm, số tiền thu về bằng cả tuần lúc bình thường nên chị không đành về quê sớm.

Song, điều này cũng khiến cái Tết của gia đình chị trở nên tất bật, vội vàng hơn. Ngày 29 Tết (30 Tết), chị quẩy gánh đi khắp các ngõ nhỏ, khu tập thể ở Hà Nội để thu mua đồ rồi mang đi bán lại cho đầu mối. Dự kiến đến 17h chiều, chị mới bắt đầu về quê để làm cỗ tất niên. "Nhà có 2 cháu trai còn nhỏ nên cũng không giúp được gì mấy, may mà quê cũng gần, cỗ bàn xong cũng phải 11h khuya, nếu không lo kiếm vài đồng để ra Tết có tiền đóng học cho mấy đứa nhỏ thì cũng chẳng phải cố thế làm gì", chị tâm sự.

Tuy nhiên, theo nhiều người bán hàng Tết, kinh doanh trong ngày cuối cùng của năm họ chỉ mong tiêu thụ hết số sản phẩm đang có, vớt vát vốn, chứ không có hiệu quả lớn về doanh thu. Chị Hậu, kinh doanh hoa tươi dọc sông Kim Ngưu, đường Láng, Hà Nội cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến cảnh đường phố vắng vẻ, khách qua đường hối hả lao xe đi, rất ít người dừng chân lại hỏi và mua hàng.

"Trong khi nhà ai cũng tất bật chuẩn bị bữa cơm tất niên thì mình vẫn đứng đây chờ bán hết hàng, sốt ruột việc nhà cũng đành chịu. Ngày cuối, khách vắng, giảm giá mạnh nên lời lãi chẳng được bao nhiêu, nhưng hàng tồn nhiều là mất Tết nên vẫn phải cố", chị tủi thân.

Theo Xuân Ngọc

Vnexpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại