Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP HCM tại Hội thảo Phân biệt kim cương nhân tạo và đá CZ ngày 6/1. Theo chuyên gia này, thời gian gần đây, nhiều loại trang sức gắn đá tổng hợp được quảng cáo rầm rộ với tên gọi kim cương nhân tạo. Thậm chí, có doanh nghiệp giảm giá 30-70% - điều gần như không tưởng đối với sản phẩm đặc thù này.
Ông khẳng định, thị trường hiện chưa có mua bán kim cương nhân tạo thực sự. Những loại đá được gọi kim cương nhân tạo đang lưu hành thực chất là đá tổng hợp CZ, có màu trắng trong suốt, được gia công qua khâu mài để có đặc tính chiếu sáng, nhưng rất mau chóng trầy xước, xuống màu.
Viên đá CZ (trái) và kim cương (phải). Ảnh:A.V.
Quan trọng hơn, giá của loại đá này rất rẻ, vài nghìn tới vài trăm nghìn đồng, nhưng có người tiêu dùng phải trả hàng triệu đồng để sở hữu một viên "đá giả kim cương". Ông Lê Hữu Hạnh, Chủ tịch Công ty kiểm định PNJ cho biết, đá CZ phổ thông có 9.000 đồng (4,5 ly), 13.000 đồng (5,4 ly), 23.000 đồng (6,3 ly)... Trên thực tế, một số nơi đánh vào tâm lý ham hàng giá rẻ của người tiêu dùng nên giảm giá, khuyến mãi rầm rộ. Song, mức giá dù đã giảm tới 70% đi nữa cũng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của những viên đá mà người tiêu dùng mua phải.
Kim cương nhân tạo đạt chất lượng ngọc quý, theo ông Hạnh, hiện chưa xuất hiện trên thị trường nữ trang, trang sức Việt Nam. Bởi giá thành của nó rất cao, do việc tạo ra môi trường giống như tự nhiên để cho ra đời kim cương nhân tạo vô cùng tốn kém. Chính vì đắt hơn cả kim cương thiên nhiên nên thị trường trang sức thế giới rất hiếm khi dùng kim cương nhân tạo.
Ông Nguyễn Thành Nghiêm, Giám đốc Công ty TNHH giám định SJC Chợ Lớn ví von, nếu coi viên kim cương thật là con người thì kim cương tổng hợp là con người nhân bản vô tính. Còn đá tổng hợp CZ chỉ là những manơcanh khoác lên chiếc áo đẹp nhưng dễ dàng bị tháo xuống. Ông kể, có nơi bảo hành viên đá "giả kim cương" cả đời, nhưng thực chất là để thuận tiện cho việc đánh bóng, thay mới, chỉnh sửa lại khi viên đá này gặp sự cố. Tuy bảo hành miễn phí, nhưng người tiêu dùng vẫn phải trả các khoản phí phát sinh khi làm mới, trong khi giá trị thực của nó lại rất thấp.
Thạc sĩ Đoàn Thị Anh Vũ, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết, trong tất cả các loại đá nhân tạo để thay thế kim cương thì cubic zirconnia (CZ) là loại đá tổng hợp dễ sản xuất đại trà số lượng lớn, đồng bộ. Loại này có giá thành rất thấp nên thị trường trang sức hiện chủ yếu dùng CZ để thay thế kim cương. Tuy nhiên, do độ cứng thấp hơn kim cương cả trăm lần nên các cạnh giác mài không sắc nét và trong quá trình sử dụng rất dễ mài mòn. Nhưng, nhiều nơi dùng các tên gọi rất kêu và đều lồng vào chữ "diamond" khiến người tiêu dùng nhầm lẫn đó là kim cương nhân tạo thực sự.
Theo VnExpress