Việc trưng bày viên kim cương khổng lồ "Yellow Dragon" 110 carat - trị giá khảng 11-15 triệu USD (229 - 312 tỷ đồng) mới đây là bằng chứng cho thấy thị trường đá quý nước này đang phát triển với nhiều dấu hiệu khả quan.
Thông thường, kim cương "nặng đô" như "Yellow Dragon" chỉ được trưng bày tại các thị trường kim cương danh tiếng như Geneva, New York và London. Nhưng Vihari Sheth - giám đốc điều hành Vihari Jewels - đã quyết định mang "Rồng vàng" đến quốc đảo sư tử. Lý do đầu tiên là do nhu cầu ngày càng tăng dành cho kim cương tại đây.
Nữ giám đốc bày tỏ trong cuộc phỏng vấn với Reuters: "Tương lai phát triển của thị trường kim cương Singapore rất sáng sủa. Hiện tại, quy mô còn nhỏ nhưng nó chắc chắn sẽ tăng lên gấp đôi, có thể bắt kịp các thị trường lớn khác trong khoảng 10 năm nữa. Luôn có nhu cầu đối với những thứ cao cấp, xa xỉ và độc - lạ, người ta phải đi tìm kim cương chứ kim cương không đi tìm chủ sở hữu".
Theo tiết lộ của Sheth, kim cương 5-20 carat, có giá từ 500.000 - 6 triệu USD (10,5 tỷ - 125 tỷ đồng) được bán rất nhanh. Phần lớn khách hàng của Vihari Jewels nằm trong độ tuổi từ 40 đến ngoài 50. Họ đã sống tại Singapore từ lâu như người Indonesia, người Ấn Độ và người Trung Quốc.
Thành công của Vihari Sheth là một phần trong trào lưu chuyển hướng của các công ty giới thiệu sản phẩm cao cấp từ phương Tây sang Singapore và nhiều nước châu Á khác.
Singapore hiện có khoảng 1.305 người được xếp hạng cực giàu với tổng tài sản ước tính 155 tỷ USD. Theo thống kê của Wealth-X, con số tương đương ở phạm vi châu Á là 43.000 người và 6,3 nghìn tỷ USD.
Đối với giới siêu giàu, kim cương không chỉ là một biểu tượng của địa vị mà còn chứa đựng tiềm năng đầu tư đầy hứa hẹn.
CEO Wealth-X chi nhánh tại Singapore, Mykolas Rambus, nhận định: "Những vị khách tiêu thụ hàng hiệu, hàng cao cấp thuộc giới siêu giàu có xu hướng coi kim cương và đá quý nói chung cũng như các kim loại quý hiếm khác là phương tiện thể hiện và lưu trữ sự giàu có. Kể từ năm 2001, giá kim cương 3 carat đã tăng 238%, trong khi kim cương 1 carat tăng 88,9%".
Singapore vốn được coi là trung tâm kim cương của khu vực châu Á bởi vị trí địa lý ở trung tâm Đông Nam Á giúp quốc đảo sư tử trở thành điểm đến lý tưởng cho những người muốn mua loại đá quý này. Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại khiến Singapore chưa thể đạt được vị thế thị trường kim cương lớn.
Theo Eliad Cohen, giám đốc điều hành công ty sản xuất và buôn bán kim cương Novel Collection Asia, Singapore thiếu một sự kiện trưng bày kim cương quy mô lớn nhằm thu hút những tên tuổi nổi bật trong ngành công nghiệp này.
Thêm vào đó, mức thuế giá trị gia tăng 7% đánh vào kim cương và đá quý khiến du khách gặp khó khăn khi mua kim cương tại Singapore. Còn người dân bản địa thì thích mua kim cương ở những nơi không bị đánh thuế cao như Hong Kong chẳng hạn.