Thuê du thuyền uống rượu... ngắm trăng
Tại TP.Hồ Chí Minh hiện có khoảng 10 công ty chuyên kinh doanh loại hình vận tải này. Họ cho thuê du thuyền từ bình thường đến siêu sang. Phần lớn, khách thuê ở TP. Hồ Chí Minh là chạy trên sông Sài Gòn và vùng biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ), vùng biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đó là những công ty như du thuyền Đ.D; Công ty chuyên bán và cho thuê du thuyền, ca nô và mô tô nước của ông K.Đ (45 tuổi); Công du thuyền Saigon M... Theo người đại diện của các công ty cung cấp, thì lượng khách hàng của họ chủ yếu là các doanh nhân, Việt kiều, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam và du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch.
Trao đổi với PV, một nhân viên của công ty du thuyền Đ.T. (trụ sở tại TP.HCM) cho biết: "Lượng khách hàng chính của công ty là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị của các doanh nghiệp lớn. Họ thuê du thuyền để tổ chức các sự kiện như họp báo, gặp gỡ đối tác làm ăn quan trọng, khách VIP (theo nhận định của họ - PV).
Lượng khách hàng này chủ yếu thuê theo giờ, thông thường thuê từ 3 - 6 tiếng/ngày, chạy dọc trên sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, công ty cũng có một lượng khách hàng là các công ty du lịch. Các công ty này thuê du thuyền để tổ chức các tour du lịch khám phá đường sông Sài Gòn cao cấp dành cho khách nước ngoài, chủ yếu là người Mỹ và các nước châu Âu".
Nguyễn Tuyên, nhân viên công ty cho thuê du thuyền cho biết: "Ở các tỉnh phía Nam, dịch vụ thuê du thuyền phát triển, bởi có nhiều công ty cho thuê. Ở miền Bắc chỉ có hai địa chỉ cho thuê du thuyền loại nhỏ có đăng ký địa chỉ ở Quảng Ninh và Hải Phòng.
Khách du lịch Việt Nam thường thuê du thuyền thường là doanh nhân, người giàu có. Khách thuê du thuyền cho cả gia đình thăm sông Sài Gòn, đi vịnh Hạ Long, đi biển Vũng Tàu, biển Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hoà) chiếm nhiều thị phần. Họ thuê theo giờ, theo ngày, tuỳ theo "cảm hứng" của các thành viên. Cách đây hơn tháng, có một doanh nhân, vì buồn chuyện gì đó, thuê du thuyền lênh đênh trên sông, ngắm trời, ngắm nước sông để... uống rượu cùng hướng dẫn viên du lịch".
“Ăn quả đắng” khi gặp... sự cố
Cũng theo bật mí của Tuyên, khách VIP rất có thể "ăn quả đắng" khi sử dụng dịch vụ này, nếu xảy ra "sự cố". Cụ thể, đang đi du thuyền, bị tai nạn, khách là người thiệt thòi nhất, nếu như, trước khi ký hợp đồng thuê, du khách không kiểm tra kỹ lưỡng các thủ tục liên quan đến bảo hiểm, liên quan đến tính pháp lý của du thuyền, công ty quản lý du thuyền. Tuyên thừa nhận, hướng dẫn viên thấy công ty nổi tiếng, ký hợp đồng thuê cho khách, còn thủ tục thì mấy khi kịp kiểm tra.
Thế nên, khi xảy ra "sự cố", nhiều có công ty đã "thoát đẹp" chỉ vì những ràng buộc hời hợt của khách khi thuê. Bây giờ, hướng dẫn viên rất ngại đứng ra thuê giúp khách mà chỉ là người môi giới cho khách thuê lại trực tiếp từ công ty. Tất nhiên, thực hiện theo phương thức này, hướng dẫn viên còn được "ăn" % từ hai phía (du khách và công ty - PV), khi khách thấy ưng ý với dịch vụ.
Theo nhân viên công ty du thuyền Đ.T. thì, nhu cầu cho thuê du thuyền hiện nay không lớn. Thời điểm hoàng kim của kinh doanh du thuyền là vào thời điểm từ năm 2006 -2008. Thời điểm hiện nay, nhiều công ty kinh doanh du thuyền chỉ có vài khách thuê/ tháng. Thế nhưng, với mức thu phí và sự "chịu chi" của số ít khách VIP cũng đủ cho chủ sở hữu du thuyền kiếm được khoản tiền khá.
Ông Nguyễn Kim Tuấn, Giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, cho biết: "Vào giai đoạn hoàng kim của thị trường bất động sản tại TP.HCM, việc sử dụng du thuyền để đi lại không đơn thuần là thú chơi ngông xa xỉ của giới đại gia, mà du thuyền còn được nhiều đại gia bất động sản sử dụng để di chuyển đến các dự án bất động sản nằm ven sông Sài Gòn. Nhiều Giám đốc công ty bất động sản thường xuyên thuê du thuyền đi trên sông để khảo sát, giám sát việc thực hiện các dự án. Loại hình di chuyển này giúp các Giám đốc này tiết kiệm thời gian, tránh tình trạng kẹt xe".
Theo tìm hiểu của PV, các công ty kinh doanh cho thuê du thuyền tại TP.HCM chủ yếu chào thuê qua mạng. Đa số các công ty đều phát hành thẻ VIP theo năm cho các khách hàng thân thiết, khách hàng tiền năng, khách VIP.
"Thủ tục" thuê du thuyền rất đơn giản, có thể là trực tiếp đến ký kết hợp đồng, có thể là điện thoại, email rồi gửi tiền vào tài khoản. Thống nhất xong giá cả, thời gian thuê, các điều kiện cần thiết khác thì được sử dụng du thuyền theo cam kết đã ký.
Hiện nay, đa phần các công ty cho thuê du thuyền đều chuyển thành hai dạng: Cho thuê dài hạn theo tháng, theo năm và cho thuê theo chuyến, khác với trước đây chỉ cho thuê theo giờ là chính. Theo đó, giá thuê dài hạn tối thiểu một tháng dao động từ 120 - 150 triệu đồng.
Để được thuê, khách hàng phải đặt cọc 700 triệu đồng, trong vòng 10 ngày khi hai bên ký kết hợp đồng và trước khi nhận tàu, tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả lại đầy đủ sau khi thanh lý hợp đồng với điều kiện tàu không bị hỏng. Đối với khách thuê dài hạn từ 6 tháng trở lên, giá thuê dao động từ 110 - 130 triệu đồng/tháng. Giá thuê này đã bao gồm VAT, thủy thủ đoàn tại TP.HCM, bảo hiểm dân sự bắt buộc. Tất nhiên, thuê theo giờ thì không phải đặt cọc, thuê từ 1 tháng trở lên thì phải đặt cọc từ 700 triệu đồng.
Đối với loại hình dịch vụ này, bên thuê du thuyền sẽ tiếp nhận tàu từ chủ tàu và chịu toàn bộ các chi phí liên quan đến việc vận hành và khai thác du thuyền như: Nhiên liệu, bảo dưỡng thường nhật, canh giữ tàu... Ngoại trừ những trách nhiệm đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm đã được chủ du thuyền ký với hãng bảo hiểm.
Nguyễn Tuyên khẳng định: "Đã có khách VIP "ăn quả đắng" khi thuê du thuyền theo tháng. Trước đó, du thuyền có những trục trặc về kỹ thuật, chủ sở hữu chỉ sửa chữa qua loa rồi cho thuê. Khách không biết về máy móc, thuê người vận hành, bị hỏng giữa chừng.
Khách báo về công ty, công ty cho thợ đến sửa và tiền sửa đó, công ty trừ vào số tiền khách đặt cọc. Hợp đồng thuê ký không chặt chẽ, vị khách này đã "ngậm đắng, nuốt cay" khi thuê du thuyền với mức giá đắt hơn hai lần thuê máy bay. Tổng số tiền ông này thuê du thuyền trong 15 ngày lên tới gần 300 triệu đồng".