Đánh giá về việc Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri thông báo, từ nay đến 2015 giá điện sẽ chỉ tăng, không giảm do phải gánh một phần bù lỗ chênh lệch tỷ giá của các năm trước, một quan chức Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, EVN viện lý do phải tăng giá điện vì lỗ, điều chỉnh tỷ giá còn treo 26.000 tỷ đồng từ năm 2010 là phi lý.
Thứ nhất, EVN là đơn vị kinh doanh điện chứ không phải doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên không thể đề cập chênh lệch tỷ giá ở đây.
“Trong ngành điện, chênh lệch tỉ giá tính chủ yếu ở khâu nhập máy móc, thiết bị đầu tư nhưng khoản tiền này hạch toán trong xây dựng cơ bản chứ không được hạch toán toàn bộ trong kinh doanh điện. Làm ăn thua lỗ như tư nhân thì phải bỏ tiền túi ra mà đền.
Với bộ máy cồng kềnh, quản trị yếu kém như của EVN hiện nay cũng như việc làm thất thoát thua lỗ rồi lại bắt dân gánh là trái đạo đức. Lấy lý do chênh lệch tỉ giá dẫn đến lỗ để tăng giá điện cũng là không đúng. Sòng phẳng thì khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì lãnh đạo phải bỏ tiền túi ra mà đền, ai làm lỗ khâu nào bỏ tiền ra đền khâu đó”- ông kiến nghị.
Một chuyên gia ngành điện khác cũng khẳng định, việc nuôi bộ máy cồng kềnh của EVN, là nguyên nhân quan trọng khiến chi phí giá thành điện của Việt Nam cao.
EVN đang quản lý hơn 26.000 MW mà có tới hơn 10 vạn cán bộ, công nhân viên trong khi ở Ấn Độ, cơ quan điện lực nước này quản lý hơn 300.000 MW nhưng chỉ cần tới hơn 4.000 cán bộ công nhân viên. Các nước khác trên thế giới cũng tương tự.
Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên viên cao cấp Bộ KH&ĐT khẳng định: Tăng giá điện chỉ mang lại lợi ích cho EVN là chính, còn các đơn vị khác đầu tư vào điện không được hưởng gì.
Hiện EVN mua lại điện của các nhà đầu tư nhà máy nhiệt điện theo hợp đồng khoảng 4,95 cent/kWh (tương đương khoảng 1.054 đồng/kWh) nhưng khi EVN tăng giá bán nhà đầu tư bán điện cho EVN chưa chắc đã được tăng giá.
Thông tin giá điện từ nay đến 2015 sẽ được cộng dần thêm 26.000 tỷ đồng tiền phân bổ khoản lỗ do chênh lênh tỷ giá của EVN trước đây, với mức tăng tương ứng khoảng 10% (như cách tính của ông Đinh Quang Tri đưa ra tại cuộc gặp báo chí về giá điện cuối tuần qua) khiến nhiều đại diện doanh nghiệp đứng ngồi không yên.
Đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội khẳng định sẽ không thể chịu được nếu giá điện liên tục tăng trong các năm tới.
Giá điện tăng 10% thì mỗi tháng doanh nghiệp sẽ bị đội chi phí khoảng 300 triệu đồng. "Nếu cứ để giá điện tăng tù mù như hiện nay, doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh”, ông Khải nói.