Thế nhưng họ vẫn lấn sân và có nguy cơ thâu tóm vùng nguyên liệu nông sản.
Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư 08 (có hiệu lực từ 7.6.2013) quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI).
Trao đổi với Thanh Niên, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Võ Văn Quyền nói rõ đây không phải quy định mới. Thông tư 08 chỉ cụ thể hóa, bổ sung sửa đổi các thông tư cũ, hướng dẫn thực hiện Nghị định 23 quy định chi tiết luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa đối với DN FDI.
“Quy định đã có từ năm 2007, DN FDI khi thực hiện quyền nhập khẩu được phép mua lại hàng hóa sản phẩm của VN để xuất khẩu, nhưng không được lập trạm thu mua trực tiếp mà phải qua thương nhân VN, và là thương nhân có giấy phép kinh doanh với lĩnh vực này. Quy định này nhằm thực hiện tốt hơn, làm rõ hơn và minh bạch hơn chính sách của VN khi gia nhập WTO, để nhà đầu tư hiểu rõ ở nước nào cần phải làm gì và chỉ được làm gì”, ông Quyền giải thích.
Chiếm lĩnh nguồn cà phê, hồ tiêu...
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, các DN FDI đã chiếm lĩnh 50 - 60% tổng sản lượng cà phê của VN, tương đương 600.000 tấn mỗi năm. Hiện nay, tại Đắk Lắk có 8 DN FDI thu mua cà phê gồm: Công ty Cà phê Ngon, chi nhánh Công ty Louis Dreyfus Commodities, Công ty Dakman, Công ty Amazaro VN, chi nhánh Công ty Newman Group, chi nhánh Công ty Olam VN, chi nhánh Công ty Hà Lan VN và chi nhánh Công ty Vĩnh An. Từ chỗ chiếm lĩnh 50% thị phần thu mua cà phê của tỉnh vào năm 2011, đến nay các DN FDI đã tăng thị phần thu mua cà phê lên 60%. Ở Gia Lai, chỉ riêng chi nhánh Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities đã chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả tỉnh trong năm 2012.
Ông Đoàn Kim Ca, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết: “Hiện các DN FDI không được chính quyền địa phương cho phép đầu tư trực tiếp vùng nguyên liệu mà chủ yếu mua bán thông qua đại lý trong nước. Tuy nhiên thực tế vẫn có hoạt động tổ chức mạng lưới gom cà phê trực tiếp, điều đó cho thấy có lỗ hổng trong quản lý, gây khó khăn cho hoạt động thu mua của các DN trong nước”.
Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) cũng cho biết hiện có 7 DN FDI đang thu mua và xuất khẩu hồ tiêu. Năm 2012, các DN này chiếm đến 36,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trên (tăng 11,6% so với 2011). Theo Chánh văn phòng VPA Trần Đức Tụng, trong quý 1/2013, các DN FDI đã có sự tăng trưởng khá mạnh về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ, cá biệt có DN tăng đến 280%.
"DN FDI đang chiếm lĩnh nguồn nguyên liệu hồ tiêu VN với lợi thế về nguồn vốn và khả năng phân phối xuyên quốc gia. Việc này là tốt khi tạo ra sự cạnh tranh trong ngành nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ DN trong nước bị mất thị phần. Một số DN FDI có biểu hiện chuyển giá bằng cách mua tiêu giá cao nhưng xuất giá thấp về công ty mẹ", ông Tụng nhận định.
Không thể phủ nhận việc các DN FDI thông qua các đại lý thu mua cà phê để gom hàng đã tạo ra cuộc cạnh tranh về giá và người trồng cà phê được hưởng lợi. Nhưng rõ ràng, đúng như giám đốc một DN xuất khẩu cà phê hàng đầu ở Đắk Lắk cảnh báo: “Về lâu dài, khi họ đã loại bỏ được các DN xuất khẩu cà phê trong nước thì sẽ quay lại làm giá ngay tại thị trường cà phê VN. Điều này đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời bảo vệ DN trong nước, kịch bản đó sẽ sớm xảy ra”.
Cạnh tranh không lành mạnh
Trao đổi với Thanh Niên, TS Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Thương mại), cho rằng việc các DN FDI trực tiếp thu mua nguyên liệu sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với các DN trong nước và sẽ gây ra những hậu quả như làm đảo lộn đầu vào của lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động của các DN trong nước, làm chúng ta mất “chân” sản xuất và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến người nông dân.
“Theo cam kết trong các hiệp định thương mại VN đã ký kết với thế giới thì các DN FDI được thu mua hàng xuất khẩu và phân phối trong nước nhưng phải thông qua các DN VN chứ không được phép trực tiếp giao dịch với người sản xuất. Do vậy chúng ta có cơ sở để không cho phép các DN FDI trực tiếp mua hàng”, TS Xuân khẳng định.
Mặt khác, cũng cần có chính sách nâng cao năng lực của DN trong nước, đảm bảo lợi ích của nông dân. “Chúng ta không cho các DN FDI thu mua nguyên liệu trực tiếp, nhưng nếu các DN trong nước vẫn còn làm ăn lôm côm, ép giá nông dân... thì cũng không được. Chính sách hỗ trợ DN trong nước phát triển song hành với DN FDI là hoàn toàn đúng, nhưng chính sách đó cần được đặt trong sự hài hòa với các đối tượng khác trong chuỗi giá trị và quyền lợi của các bên liên quan mà đặc biệt là người trực tiếp sản xuất”, TS Xuân phân tích.
Theo các chuyên gia, hiện nay mối liên hệ giữa DN thu mua, chế biến, xuất khẩu với nông dân hết sức lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ lợi ích. Trong chuỗi phân phối lợi nhuận, người trồng cà phê chỉ được hưởng tỷ lệ quá nhỏ nhoi so với các DN chế biến cà phê xuất khẩu. Do đó hình thức bảo hộ của Chính phủ chỉ là tạm thời, về lâu dài thì DN trong nước phải liên kết chặt chẽ hơn với nông dân để cạnh tranh bền vững.