Theo kết quả khảo sát mới đây, 5 gia đình giàu nhất nước Anh bao gồm Công tước xứ Westminster (ảnh), David và Simon Reuben, anh em nhà Hinduja, gia đình nhà Cadogan và Mike Ashely - ông trùm bán lẻ Sports Direct - có tổng số tài sản trị giá 28,2 tỉ bảng. Trong khi đó, những người nghèo nhất nước Anh, chiếm 20% dân số, có tổng tài sản là 28,1 tỉ bảng, trung bình mỗi người có 2.230 bảng.
Gia đình giàu có nhất ở Anh là gia đình Công tước xứ Westminster, đứng đầu là thiếu tướng Gerald Grosvenor, sở hữu 77 hecta bất động sản hàng đầu ở Belgravia, ngay sát Cung điện Buckingham, và London. Gia đình này còn có 39.000 hecta ở Scotland và 13.000 hecta ở Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, gia đình được hưởng lợi lớn từ dòng tiền nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường bất động sản đang tăng vọt theo từng năm ở London. Ông Grosvenor và gia đình sở hữu khoảng 7,9 tỉ bảng, nhiều hơn của 10% dân số nghèo nhất, chỉ khoảng 7,8 tỉ bảng.
Trong khi đó, anh em nhà Reuben là Simon và David làm giàu từ kim loại. Sinh ra tại Ấn Độ nhưng lớn lên ở London, họ bắt đầu kinh doanh kim loại phế liệu. Bước ngoặt quyết định của anh em nhà này là việc chuyển sang Nga ngay sau khi Liên Xô tan rã. Họ mua lại một nửa cơ sở sản xuất nhôm của Liên Xô, kết bạn làm ăn với "vua nhôm" Oleg Deripaska. Hai anh em vẫn tham gia khai thác mỏ và kim loại, song còn kiểm soát một đế chế kinh doanh đa dạng, bao gồm bất động sản, 850 quán rượu ở Anh và nhà sản xuất du thuyền sang trọng Kristal Waters. Với vốn tài sản 6,9 tỉ bảng, họ cũng là những người tài trợ đắc lực cho Đảng Bảo thủ.
Còn anh em nhà Hinduja là Srichand và Gopichand đồng sở hữu Hinduja, một tập đoàn đa quốc gia bao gồm 37 nước, kinh doanh đủ ngành nghề khác nhau, từ xe tải, chất bôi trơn đến ngân hàng và chăm sóc sức khỏe. Hai người bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành dệt may và buôn bán của cha ở Mumbai và Tehran, nhưng sớm tách ra sau khi mua lại nhà sản xuất xe tải Ashok Leyland và Gulf Oil từ những năm 1980, trong khi thành lập ngân hàng ở Thụy Sĩ và Ấn Độ vào những năm 1990. Dinh thự của họ ở London nằm không xa Cung điện Buckingham, trị giá khoảng 300 triệu bảng. Với tổng tài sản 6 tỉ bảng, hai anh em còn có quan hệ khá thân thiết với Đảng Lao động.
Gia đình nhà Cadogan có tài sản 4 tỉ bảng, còn Mike Ashley sở hữu 3,3 tỉ bảng. Ashley là ông chủ câu lạc bộ bóng đá Newcastle United, và trở thành tỉ phú nhờ chuỗi cửa hàng bán lẻ quần áo thể thao giảm giá Sports Direct của mình ngay từ khi mới ra trường. Ông là chủ sở hữu duy nhất của một doanh nghiệp phát triển nhanh chóng, trong đó có những nhãn hiệu phổ biến như Dunlop, Slazenger, Karrimor và Lonsdale.
Giám đốc chiến dịch và chính sách của Oxfam, ông Ben Phillips cho biết, Anh ngày càng trở thành một quốc gia có sự chia rẽ sâu sắc, với một tầng lớp giàu ngày càng giàu thêm, trong khi hàng triệu gia đình khác vật lộn với cuộc sống khó khăn. Hồi đầu năm, một báo cáo của Oxfam cho thấy, tài sản của 86 tỉ phú trên toàn thế giới bằng tài sản của 1 nửa dân số toàn cầu, khoảng 3,5 tỉ người. Theo Oxfam, khoảng cách giàu nghèo tại Anh ngày càng lớn. Kể từ giữa những năm 1990, thu nhập của 0,1% những người giàu nhất đã tăng 461 bảng/tuần, tương đương với 24.000 bảng/năm. Ngược lại, thu nhập của 90% những người còn lại chỉ tăng 147 bảng/năm.
Lần đầu tiên, Oxfam cũng cho biết, số hộ gia đình có công ăn việc làm lâm vào tình trạng nghèo khó nhiều hơn số hộ không làm việc. Số trẻ em sống dưới mức nghèo có thể tăng lên 800.000 vào năm 2020. Tổ chức này cho rằng, chính phủ cần phải cân đối lại ngân sách bằng cách tăng thuế đối với những người có khả năng chi trả, nhằm giảm bớt khoảng cách giàu nghèo. "Việc gia tăng bất bình đẳng là một dấu hiệu thất bại kinh tế chứ không phải thành công. Đây là thời điểm để các nhà lãnh đạo hành động và quan tâm đến vấn đề này", báo cáo của Oxfam cho biết.