Khó khăn chồng chất, đại gia BĐS đầu tư nhà trọ sinh viên

H.Sơn - Q.Hào |

(Soha.vn) - Trong khi nhiều đại gia đang lao đao trước cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong nước thì một số đại gia ở Hà Nội đã tìm hướng đi mới cho mình: đầu tư xây dựng phòng trọ cho sinh viên thuê.

Từ ‘đóng băng’ và ‘tan vỡ’

Hơn 7 năm “lăn lộn” với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Đỗ Thanh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội), Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng DPF phải chua chát nhận xét: “Chưa bao giờ thị trường bất động sản lại khó khăn đến thế”.

Với ông Tùng, cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong nước thực sự bắt đầu từ đầu năm 2010 với những dấu hiệu trầm lắng và thực sự đóng băng vào năm 2011.

“Ba dự án lớn về nhà tái định cư của Công ty chúng tôi ở Vân Canh (Từ Liêm, Hà Nội) đều không thực hiện được. Một phần vì ‘đói vốn’ bởi ngân hàng thắt chặt tín dụng, nhưng chủ yếu là nhu cầu của khách hàng giảm”, ông Tùng nói.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Công ty ông Tùng đã phải thực hiện chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’ bằng cách cắt giảm bớt nhân viên, giảm lương và gần như chỉ hoạt động cầm chừng.

“Đó là tình trạng chung rồi, không phải chỉ riêng công ty chúng tôi hay ở Hà Nội thôi đâu. Rất nhiều công ty bất động sản đã bị phá sản”, ông Tùng thừa nhận.

Trong khi thị trường bất động sản 'đóng băng' thì những phòng trọ sinh viên kiểu các 'chung cư mini' như thế này lại tỏ ra hút khách.
Trong khi thị trường bất động sản 'đóng băng' thì những phòng trọ sinh viên kiểu các 'chung cư mini' như thế này lại tỏ ra hút khách.

Trên thực tế, vào thời điểm ‘chợ chiều’ của thị trường bất động sản như hiện nay không chỉ các doanh nghiệp và nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp trước kia được cho là ‘sống khỏe’, xếp vào hàng có máu mặt trong làng bất động sản giờ cũng lao đao không kém.

Thậm chí, có đại gia bất động sản còn không giấu nổi thất vọng khi cho rằng thị trường bất động sản không chỉ đóng băng mà còn sẽ tiếp tục ‘vỡ nát’ hơn nữa trong thời gian tới nếu không có các biện pháp can thiệp hữu hiệu từ phía nhà nước!

Tuy nhiên, cũng theo đại gia này thì những biện pháp can thiêp của nhà nước cũng khó có thể xảy ra, nếu có cũng không thể đủ mạnh để phục hồi lại thị trường bất động sản như trước kia. “Vấn đề là phải có thời gian, và quan trọng hơn là các doanh nghiệp bất động sản phải biết… tự cứu lấy mình”, vị đại gia này nói.

Đến đi tìm ‘lối thoát’

Trong khi nhiều đại gia đang lao đao trước cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong nước thì một số đại gia ở Hà Nội đã tìm hướng đi mới cho mình: đầu tư xây dựng phòng trọ cho sinh viên thuê.

Dạo qua các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Từ Liêm (Hà Nội), không khó để nhận ra các bảng treo với nội dung “cho thuê phòng trọ sinh viên, khép kín, đầy đủ tiện nghi, giá hợp lý”, phía bên trong là những phòng trọ được quy hoạch và xây dựng khá khang trang và bắt mắt theo kiểu của những chung cư mini.

Những xóm trọ sinh viên kiểu này khá phổ biến...
Những xóm trọ sinh viên kiểu này khá phổ biến...

Bà Nguyễn Thị Thủy, 62 tuổi, trú tại ngõ 175 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), người làm nghề bán nước và môi giới phòng trọ cho sinh viên cho biết: “Những khu trọ trên là của những đại gia bất động sản xây dựng để cho sinh viên và hộ gia đình thuê. Họ thuê hoặc mua lại đất từ người dân rồi xây dựng, chủ yếu là thuê đất. Loại hình phòng trọ sinh viên cao cấp, chung cư mini này mới xuất hiện từ khoảng cuối năm 2011 trở lại đây thôi”.

Bà Thủy cho biết, dù giá thuê phòng ở những khu trọ này cao hơn nhiều làn so với những khu trọ bình thường nhưng vẫn là sự ưu tiên lựa chọn của nhiều sinh viên với lý do: sạch sẽ, kiên cố, an ninh tốt và giá có cao thì cũng chẳng sao bởi có thể ‘rủ thêm người đến ở cùng’ để… chia sẻ gánh nặng về tài chính vào mỗi tháng.

Qua tìm hiểu được biết, những khu trọ có các phòng kiểu các ‘chung cư mini’ trên thường được quy hoạch xây dựng từ 3 – 6 tầng theo lối hình chữ U với 3 dãy trọ nối liền và vuông góc với nhau, mỗi tầng dao động từ 10 – 20 phòng trọ.

Mỗi phòng trọ rộng khoảng từ 25 – 40m2, khép kín, có thêm gác xép và có cả tivi, mạng internet,… để phục vụ người thuê trọ có nhu cầu. Giá mỗi phòng trọ dao động từ 2,2 – 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, vấn đề an ninh tại các khu trọ này còn được chủ đảm bảo bằng hệ thống camera và bảo vệ túc trực 24/24.

Nhiều sinh viên có nhu cầu

Nguyễn Thị Hà, sinh viên năm thứ hai khoa Tin (Trường ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Những khu trọ kiểu chung cư mini này khá sạch sẽ, an ninh tốt và sinh viên hay hộ gia đình đều thuê được cả”.

Nhưng giờ đây nhiều sinh viên cũng đã chọn các phòng trọ kiểu chung cư để thuê trọ.
Nhưng giờ đây nhiều sinh viên cũng đã chọn các phòng trọ kiểu chung cư để thuê trọ.

Cũng theo Hà, dù giá thuê mỗi tháng có cao hơn các khu phòng trọ khác nhưng ưu điểm của các phòng trọ này là có thể ở được từ 3 – 5 người nên gánh nặng tài chính – nỗi lo thường trực của sinh viên được chia đều cho nhau. “Tính ra, so với thuê phòng trọ kiểu ‘tổ chuột’, phòng trọ kiểu này cũng không đắt hơn là bao. Bởi vậy, đây vẫn là sự lựa chọn của khá nhiều bạn sinh viên khi tìm phòng trọ”, Hà nói.

Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ của khu phòng trọ sinh viên cao cấp (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho biết: “Sau khi tạm đóng cửa công ty chuyên kinh doanh, môi giới bất động sản vào cuối năm 2011 vì khủng hoảng thì tôi chuyển sang xây phòng trọ cho sinh viên thuê. Xây phòng trọ cho sinh viên thuê thì không có lãi nhiều nhưng ổn định và quan trọng là có lãi giữa thời buổi khó khăn như hiện nay”.

Ông Phúc cho biết: Khu phòng trọ sinh viên cao cấp của ông ở Cầu Giấy hiện có 5 tầng, mỗi tầng 12 phòng, giá thuê mỗi phòng là 3,2 triệu đồng/tháng, trừ tất cả chi phí, mỗi tháng ông vẫn lãi hơn 100 triệu đồng.

Không chỉ ở Cầu Giấy mà các khu trọ sinh viên cao cấp còn được ông đầu tư xây dựng ở Thanh Xuân, Từ Liêm, Đống Đa,… những khu vực tập trung nhiều trường đại học và sinh viên.

“Trong thời buổi thị trường bất động sản dở sống dở chết như hiện nay thì càng đầu tư lớn càng chết vì thua lỗ nhiều. Quan trọng là phải tìm cho mình một hướng đi để mình có thể ‘sống sót’ trong khủng hoảng”, ông Phúc khẳng định.

Khủng hoảng vì mất niềm tin

Ông Nguyễn Khải Hoàn - Chủ tịch Công ty bất động sản Khải Hoàn Land - nhận định: Thị trường bất động sản bị đẩy đến bờ vực là do mất niềm tin. Vấn đề mấu chốt là củng cố niềm tin đang lung lay dữ dội của khách hàng. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng lại văn hóa kinh doanh thời kỳ khủng hoảng.

Cụ thể, nếu trước đây thị trường chạy đua theo xu hướng đi lên thì nay phải chấp nhận cạnh tranh trong bối cảnh đi xuống. Đó là bán giá hợp lý, xây dựng giá thành ‘mềm’ nhất có thể, cam kết về tiến độ, giữ chữ tín bằng chất lượng sản phẩm, bàn giao nhà đúng hẹn, hậu mãi tốt...  và nhất là hãy đặt khách hàng vào vị thế thượng đế để nuôi dưỡng niềm tin quay trở lại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại