“Con lạy chín phương trời, lạy mười phương Phật, con lạy Đức Thánh Bà. Đức Thánh Bà linh thiêng về giúp tín chủ con là Nguyễn Thị H. ở phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội bịt mồm bịt miệng kẻ bán hàng bên cạnh, làm cho nó khuynh gia bại sản, sập tiệm để tín chủ con phát tài phát lộc, mua tươi bán tốt...”. Một bà hơn 70 tuổi, vẻ mặt thành kính chắp tay lẩm bẩm khấn lia khấn lịa. Khấn xong, bà ta xòe tay đòi tín chủ 20.000 đồng tiền công khấn...
Càng khủng hoảng, càng đắt hàng
Đình Bia Bà La Khê (Q.Hà Đông, Hà Nội) là di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Du lịch và Thể thao) xếp hạng cấp quốc gia năm 1989. Nơi đây được coi là linh thiêng nên hằng ngày có hàng ngàn khách thập phương đến lễ cầu lộc, nhất là những ngày rằm, mồng 1 thì người đến đình Bia Bà đông nghịt.
Những người đến đây kháo nhau rằng gần đây ai có việc mà tìm đến Bia Bà nhờ được các bà ở đây khấn hộ thì làm ăn phúc lộc đầy nhà, việc gì cũng xong. Nghe vậy, chiều mồng 1 tháng 2 âm lịch tôi cũng thử đến đó nhờ các bà khấn xem... phúc lộc của mình tới đâu!
Vào đình là nườm nượp dòng người đầu đội lễ, khoác tay nhau, người thì vẻ mặt hả hê như sắp làm được điều gì lớn lắm, người thì đăm chiêu nghĩ ngợi như vừa làm một điều gì tội lỗi. Trong số ấy có chị Nguyễn Thị T. nhà ở Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) là một khách hàng quen thuộc của “dịch vụ khấn thuê”. Vừa đi chị vừa kể cho tôi nghe: “Nhờ bà khấn cho mà chuyến hàng mua vừa rồi ở Lạng Sơn trót lọt, qua mặt được cả công an lẫn quản lý thị trường. Linh lắm em ạ” (?!).
Con đường vào đình là một lối đi nhỏ giữa hai dãy hàng quán bày bán la liệt hoa quả và đồ tế lễ. Vào đình, những người đi lễ đều đến dãy ghế kê sát gian thờ nơi có khoảng chục phụ nữ đang ngồi đợi sẵn.
Thấy khách lạ, một bà chạy ra kéo áo hỏi: “Thuê khấn phải không? Đã mua lễ chưa? Ra ngoài kia mua lễ vào đây tôi khấn cho. Rẻ thôi...”. Theo tay bà chỉ, tôi đi ra hàng cô H. mua lễ. Cô H. cười tươi hỏi: “Khách của bà C. phải không? Bà ấy khấn thiêng lắm đấy. Chắc cậu chưa biết chứ tháng trước bà ấy lễ cho một anh đánh bật đứa bạn để giành suất đi nước ngoài nên gia đình anh ta đến tạ ơn hậu lắm”.
Tôi trở vào thì thấy bà C. đang bận khấn cho mấy khách mới. Nhìn một lượt các bà khác như bà H., bà Tr., bà S.... cũng bận như thế và cũng nhiều khách đang phải chờ như mình nên chỉ còn cách kiên nhẫn đợi...
Đa số người đến đây nhờ các bà khấn cho đều có chuyện: người thì xin được mua trôi bán lọt, người thì xin cho việc chạy chọt thành công để con mình được vào làm chỗ này chỗ nọ.
Thậm chí còn có những sinh viên đến thuê các bà khấn cho mình không phải thi lại môn này môn kia trong kỳ thi hết học phần, có người đến thuê khấn để cầu mong mình được trúng số.
Chừng nửa tiếng sau, bà C. vãn khách mới quay ra khấn giúp tôi. Thấy khách nghi ngờ sợ mất mối làm ăn, bà C. tìm cách dụ bằng cách kể một câu chuyện thật như đùa: “Chủ một doanh nghiệp rượu, bia lớn ở Hà Nội cách đây chừng hơn 30 năm, ông ấy còn nghèo lắm, đến nỗi có người yêu rồi mà không dám cưới vì không có tiền. Nghe tiếng Bia Bà từ lâu, ông liền rủ người yêu sang cầu khấn, xin được... trúng xổ số.
Về Hà Nội, tình cờ ông ấy được một cháu bé mời mua giùm hơn chục tờ vé số vào cuối buổi. Ông ấy mua luôn sấp vé, nhưng cũng chẳng dám tin vào sự màu nhiệm của lời khấn ở Bia Bà nên cũng chẳng thiết xem kết quả.
Mấy hôm sau, nghĩ thế nào ông ấy mới giở sấp vé số ra xem thì không ngờ trúng thật, được hơn một cây vàng, thế là vừa có tiền cưới vợ, vừa có tiền làm ăn. Sau đó, năm nào ông cũng về công đức ở Bia Bà”.
Kể chưa dứt, bà C.gắt: “Thế có khấn không? Đưa lễ đây?Cứ lằng nhằng mãi”. Chẳng cho khách từ chối, bà giật ngay lấy khay lễ rồi khấn lia, khấn lịa. Xong việc bà ngoảnh mặt đòi tiền. “Nhanh lên giờ còn đến lượt người khác”.
Rút nhanh từ tay tôi tờ 50.000 đ, bà ngúng nguẩy bảo càng khủng hoảng kinh tế thì càng đông khách đến nhờ khấn: “Chứ đây không có thời giờ buôn chuyện đâu nhá”, bà lườm tôi.
“Thầy khấn”... quấn khay lễ
Vì đông khách và việc trở thành thầy khấn không có gì khó khăn (các bà thầy khấn chỉ đọc qua các bài khấn Nôm trong các cuốn sách dạy khấn là có thể hành nghề ngay mà không cần kinh nghiệm gì hết) nên “dịch vụ khấn thuê” ngày càng có thêm nhiều thầy khấn mới. Hỏi chuyện thầy khấn T., thầy thật thà: “Mấy năm trước thì chỉ có tôi, bà C., bà S., bà Tr. và vài bà khác nữa. Đến giờ thì đông lắm”.
Để làm ăn cho “chuyên nghiệp” và nhất là để tránh việc tranh giành khách của nhau, những thầy khấn ở Bia Bà tự họp lại và thành lập đội khấn thuê do bà thầy khấn tên S. làm đội trưởng.
“Đội trưởng được ưu tiên khách trước và có quyền chỉ định ai làm thầy khấn cho khách tiếp theo, còn không thì cứ theo thứ tự xếp hàng” - bà T. kể tiếp. Cũng theo bà T. :Trước kia chưa lập đội thì chuyện các bà tranh giành khách nhau là thường, nhưng bây giờ kỷ luật lắm rồi.
Khách quen của bà nào thì bà ấy cứ thế mà giữ, không ai dám tranh của ai. Chuyên nghiệp hơn, các thầy khấn có cách “trói” khách riêng của mình để làm ăn. Thấy tôi cứ hỏi hết tên bà này tới bà khác, bà C. sợ mất một khách mới nên khéo léo: “Các bà ấy mới vào nghề thôi, chưa có kinh nghiệm đâu, lần sau cậu đến đây nhờ tôi thì việc xong hết. Nhờ một người từ đầu đến cuối thì dễ biết việc hơn”.
Nói là tùy tâm nhưng thật ra mỗi lần thuê các bà khấn cho ít ra cũng phải “tùy tâm” hậu một chút thì các bà mới khấn cho tử tế. Thường thì mỗi một lần khấn, khách thường trả cho thầy khấn từ 20.000 đồng trở lên.
Anh Đỗ Quang V., nhà ở phường Cát Bà, Hải Phòng, cũng là một khách ruột của bà C. cùng đi thuê khấn với tôi, tâm sự: “Mỗi lần nhờ bà C. mình dâng lễ 20.000 đồng. Sợ dâng ít các bà chê mà không khấn cho cẩn thận. Thôi thì đằng nào cũng là bỏ tiền...”.
Để kiểm nghiệm thêm, tôi tránh bà C. đi tìm bà đội trưởng S. để thuê khấn lần hai. Lần này kỹ càng hơn, tôi ra hỏi bà S. khấn giúp. Bà S. hất hàm: “Có việc gì?”. Tôi bịa chuyện và kể lể một hồi, bà S. phán: “Việc lớn đấy. Có ra hàng cái N. sát mép đình sắm lễ đi rồi tôi khấn cho. Nhớ nói thật việc cho cái N. nó biết mà bán lễ, không sắm bừa được đâu”. Bỏ thêm 100.000 đồng cho một khay lễ “mọn”, tôi nhờ bà S. khấn.
Rì rầm một lúc bà S. quay ra: “Được rồi! Đặt tiền lễ là xong”. Tôi vờ như không hiểu, bà tiếp lời: “Tùy tâm bao nhiêu cũng được!”. Tôi rút tờ 50.000đ bỏ vào khay. Bà nhăn mặt: “Để lễ đấy ra hóa vàng đi”. Tôi đi hóa vàng (đốt vàng bạc) thì bà đem khay lễ mà tôi vừa sắm ra đưa trả cho cô N. kèm theo câu nói đầy khó chịu: “Cứ tưởng khách “bở” ai ngờ cũng “kiết”, đặt có 50.000đ, may còn khay lễ”.
Thì ra các thầy khấn đều “ăn rơ” với một hàng bán lễ. Một người bán lễ ở cửa đình khoe: “Những ngày đông khách, mỗi ngày cũng “làm” được vài trăm ngàn, hên hơn thì có ngày nửa triệu, các bà nếu đem lễ đã dùng ra cho cửa hàng thì được chia cho 50%. Nói vậy chứ các bà còn kiếm hơn mình. Vào đúng ngày như hôm nay thì cả tiền công tiền lễ có bà đút túi cả triệu bạc chứ ít gì”.
Cuối buổi chiều, lại gần một bà thầy khấn ngồi nghỉ đếm tiền, bất chợt nghe tiếng thở dài: “Tệ thật! Làm ăn như thế này mà được có sáu trăm ngàn...”.
Dịch vụ khấn thuê đã tồn tại nhiều năm nay
Theo những người bán hàng đồ lễ ở đây thì dịch vụ này rộ lên hơn chục năm nay và bây giờ lại càng phát triển hơn. Đã có nhiều cá nhân, tổ chức phản ảnh tình trạng trên đến các cơ quan chức năng văn hóa xã trước đây và bây giờ là UBND phường Văn Khê nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn ngày càng nhiều lên.