Chủ đầu tư "bắt" khách nộp tiền nhà theo tỷ giá USD
Cùng với đại gia Lê Thanh Thản - ông chủ dự án Xa La, Đại Thanh, cái tên Nam Cường cũng đang trở thành đề tài bàn tán của nhiều người trong giới bất động sản cũng như giới truyền thông bởi nhiều sự cố lùm xùm và kiện tụng.
Sáng ngày 5/11, trước cổng tòa nhà trụ sở của Nam Cường, một tốp người đã mang băng rôn, khẩu hiệu đứng giữa trời nắng chang chang nhằm phản đối chủ đầu tư Tập đoàn Nam Cường.
Khẩu hiệu có nhiều nội dung khác nhau trong đó có câu “Phản đối Nam Cường ép khách hàng nhận nhà chưa đủ điều kiện” hoặc “Trả lại tiền diện tích thiếu”, “Nam Cường ăn gian diện tích”,…
Trước đó không lâu, vào cuối tháng 10/2013, “cuộc chiến” giữa chủ đầu tư và 100 khách hàng mua căn hộ tại tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials thuộc Khu đô thị mới Dương Nội đã khiến dư luận xôn xao, thậm chí, chủ đầu tư đã phải mời Bộ Xây dựng làm “trọng tài”.
Gửi đơn “tố” Nam Cường đến chúng tôi, chị Lê Thị Cộng (quê Thanh Hóa), người mua căn hộ số C06-01 tòa CT7C khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) bức xúc: Tập đoàn Nam Cường đã viện cớ thu tiền đợt cuối theo tỷ giá USD quy đổi ra VND để kiếm lời thêm một khoản tiền lớn.
Chủ đầu tư Nam Cường yêu cầu khách hàng nộp tiền đợt cuối theo tỷ giá USD.
Vào thời điểm ký hợp đồng, tỷ giá đang là 19.500 VND/USD, tuy nhiên, giá USD trên thị trường hiện nay đã biến động tăng, lên trên 21.000 VND/USD. Việc tính chênh lệch tỷ giá này vào thời điểm hiện tại sẽ giúp tập đoàn Nam Cường thu thêm về 530.000 đồng/m2 - 580.000 đồng/m2 với đơn giá từ 22 - 25 triệu đồng/m2.
Điều này đồng nghĩa với việc một căn hộ 100 m2 sẽ phải nộp thêm từ 53 - 58 triệu đồng. Với hàng trăm căn hộ thì số tiền tập đoàn Nam Cường thu về không hề nhỏ - theo cách tính toán của những khách hàng mua nhà.
“Chúng tôi thấy việc quy định thanh toán đợt cuối theo biến động tỷ giá là chưa phù hợp với quy định của pháp luật” – chị Cộng nói.
Bởi điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.
Các giao dịch được phép thực hiện ngoại hối được quy định cụ thể tại Điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối 2005, trong đó, không có quy định nào cho phép giao dịch mua bán giữa pháp nhân và cá nhân quốc tịch Việt Nam được phép giao dịch bằng ngoại hối.
Thêm vào đó, công văn số 9861/NHNN-QLNH năm 2010 của Ngân hàng nhà nước cũng nêu rõ: việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ghi đơn giá bằng đồng Việt Nam và quy đổi tương đương đô la Mỹ hoặc được bảo đảm bằng ngoại tệ (dưới hình thức kèm tỷ giá tham khảo và quy định đơn giá sẽ thay đổi trong trường hợp tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại biến động tại thời điểm thanh toán) là vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam và bị xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, theo quy định hiện hành của pháp luật về ngoại hối thì mọi giao dịch, thanh toán giữa các tổ chức, cá nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại hối trừ các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 12 Điều 29 Nghị định 160/2006/NĐ-CP.
“Việc quy định trong hợp đồng và yêu cầu khách hàng thanh toán khi tỷ giá thay đổi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính và tuyên hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến tài chính và hình ảnh chuyên nghiệp của Nam Cường và cũng thiệt hại đối với các khách hàng như chúng tôi. Do vậy, chúng tôi đề nghị cần tuân thủ pháp luật để đảm bảo quyền lợi của các bên” – anh Vũ Tiến Bộ, một khách hàng của Nam Cường nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, các khách hàng đề nghị hủy bỏ khoản 3.4 điều 3 về phát sinh trong hợp đồng và khách hàng chỉ chấp thuận thực hiện thanh toán đợt 6 trên cơ sở tổng giá bán căn hộ của Đồng Việt Nam.
Nam Cường chỉ lấy USD để tham chiếu
Giải thích về bức xúc của cư dân, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Hoàn, chánh văn phòng Tập đoàn Nam Cường lý giải: “Tỷ giá USD, Nam Cường chỉ lấy làm tham chiếu để phù hợp với thị trường về xây dựng, chứ không mua bán bằng đô la Mỹ”.
Trong khi các hợp đồng khác đều có điều khoản đề cập tới việc biến động giá nguyên vật liệu trên thị trường thì Nam Cường dùng tham chiếu bằng tiền USD thay cho cách tính trượt giá của nguyên vật liệu xây dựng, tránh thiệt hại cho chủ đầu tư.
“Tập đoàn chúng tôi sử dụng nhiều nguyên vật liệu ngoại nhập, lên xuống theo giá tiền đô – nên đó là cách tính tốt nhất cho khách hàng. Nếu áp theo giá nguyên vật liệu thì sẽ thiệt thòi cho khách hàng bởi giá vật liệu luôn luôn tăng. Còn USD lúc tăng lúc giảm, ít thiệt hại hơn so với tính tỷ giá áp bằng giá nguyên vật liệu. Khi tỷ giá xuống thì khách hàng sẽ được lợi” – đại diện của Tập đoàn Nam Cường chia sẻ.
Cũng theo Nam Cường, những yêu cầu do khách hàng đưa ra chưa có cơ sở pháp lý một cách chính tắc. Nam Cường khẳng định: Họ đang làm đúng theo hợp đồng, đúng theo quy định của nhà nước.
Bởi trong hợp đồng đã ký giữa hai bên có điều khoản quy định rõ: “Đơn giá chuyển nhượng được áp dụng tại thời điểm tỷ giá giữa Việt Nam đồng và đôla Mỹ là 19.500 VND/USD. Nếu tại thời điểm bàn giao căn hộ, tỷ giá giữa Việt Nam đồng và đô la Mỹ biến động tăng giảm hơn 2% so với 19.500 VND/USD thì số 30% giá trị căn hộ thanh toán của đợt cuối cùng còn lại (đợt 6) sẽ được điều chỉnh theo tỷ giá bán ra giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm đó”.
Đến nay, tỷ giá Việt Nam đồng và đô la Mỹ đã tăng hơn 2% so với mức tỷ giá 19.500 VND/USD trong hợp đồng.“Khách hàng cố tình tụ tập đông người gây rối, họ biết thời gian tới Nam Cường có buổi lễ kỷ niệm ngày khánh thành ở CT7 – CT8 nên gây sức ép với tập đoàn Nam Cường” – ông Hoàn nói.
Với thắc mắc của khách hàng về vấn đề tỷ giá, Nam Cường cho biết: Tập đoàn này đã gửi công văn đến Thanh tra Ngân hàng Nhà nước để được trả lời, từ đó sẽ có cơ sở để phản hồi lại cư dân bằng văn bản. “Nếu sai thì chúng tôi chịu còn đúng thì khách hàng hết kiện cáo” – ông Hoàn nhấn mạnh.
Không đồng tình với cách trả lời của Nam Cường, chị Tuyết, người đại diện nhóm dân cư treo băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư, bày tỏ: “Trước đây, tòa CT8 đã từng đấu tranh khi nhận nhà và Nam Cường đã phải trả lại tiền chênh lệch tỷ giá cùng tiền diện tích thiếu. Điều đó chứng tỏ họ đã nhận thấy cái sai của họ. Nếu không sai, sao Nam Cường lại trả lại tiền?”.
Trao đổi với báo chí, luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật BQH thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, đã khẳng định: Theo quy định của Nhà nước, kể cả chủ đầu tư niêm yết giá USD rồi chuyển đổi tỷ giá công khai thì vẫn sai. Theo pháp lệnh và nghị định quản lý ngoại hối, tính giá nhà theo tỷ giá USD được coi là vi phạm quy định ngoại hối của Việt Nam.
Ông Hưng khuyên: Người dân nên làm đơn yêu cầu thanh tra Ngân hàng Nhà nước TP.Hà Nội tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư.