Theo đó, với mức giá nhập khẩu bình quân 117,16 USD/thùng, mức trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít, lợi nhuận định mức tạm thời 100 đồng/lít, cộng với các khoản thuế, phí khác, giá cơ sở xăng A92 cao hơn giá bán lẻ của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) khoảng 300 đồng/lít. Tuy nhiên, hiện xăng A92 đang được sử dụng quỹ bình ổn giá mức 300 đồng/lít nên mặt hàng xăng A92 hòa vốn.
Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Năm - phó tổng giám đốc Petrolimex - cho biết tính theo mức giá bình quân 10 ngày trở lại đây, kinh doanh xăng đang có lãi vài chục đồng mỗi lít, dầu FO lãi hơn 200 đồng/kg. Riêng với dầu DO và dầu hỏa thì Petrolimex vẫn lỗ 300-600 đồng/lít tùy mặt hàng. Ông Nguyễn Thế Dũng - tổng giám đốc Công ty TNHH và Dịch vụ Đồng Tháp - cho biết giá nhập khẩu xăng bình quân 10 ngày ở khoảng 113 USD/thùng thì doanh nghiệp không bị lỗ.
Tuy nhiên, do giá thế giới nhiều ngày qua đã giảm mạnh nên các doanh nghiệp xăng dầu thực tế lại có lãi nếu nhập hàng về trong những ngày gần đây. Mặc dù trong ngày 13-8 giá xăng A92 tại Singapore là 114,91 USD và ngày 14-8 là 114,2 USD/thùng, nhưng trước đó giá xăng chỉ ở mức 112,88 USD/thùng.
Theo tính toán dựa trên giá nhập khẩu trung bình 10 ngày kể từ ngày 14-8 trở về trước, doanh nghiệp xăng dầu có thể lời được gần 630 đồng/lít với xăng A92, dầu DO lỗ khoảng 20 đồng/lít. Trường hợp tính giá cơ sở 30 ngày tính đến ngày 14-8, xăng A92 lời 90 đồng/lít và dầu DO lỗ 60 đồng/lít.
Mặc dù vẫn kêu lỗ, nhưng các đầu mối xăng dầu lại đang đẩy chiết khấu lên cao chót vót. Ông Nguyễn Văn Tiu, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần xăng dầu Tự lực I, cho biết khi giá xăng dầu thế giới giảm mà trong nước đứng yên thì các đầu mối lại đua nhau đẩy mức chiết khấu, hoa hồng cho đại lý lên. Theo ông Tiu, chiết khấu phổ biến hiện nay là 600-650 đồng/lít tùy mặt hàng. Có vài doanh nghiệp đẩy chiết khấu lên 900 đồng/lít.
Theo một số doanh nghiệp, mức chiết khấu thể hiện trên hợp đồng giao hàng chỉ 500-600 đồng/lít, nhưng thực tế đại lý có thể được nhận tới 900-950 đồng/lít. Có những đầu mối lách chiết khấu bằng cách “thưởng” cho thanh toán nhanh, lượng hàng tiêu thụ...
Thậm chí, giới kinh doanh xăng dầu còn cho biết mức chiết khấu có thể cao hơn nhưng phần lớn là hàng bán chui. Ông Trần Ngọc Năm cũng thừa nhận thị trường xăng dầu đang bị loạn chiết khấu cho đại lý và tổng đại lý vì lý do cạnh tranh.