Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, hôm qua 25-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với báo chí về nhiều vấn đề nóng liên quan đến tình hình giá cả, tín dụng, hoạt động của Công ty Xử lý nợ xấu (VAMC) vừa được thành lập...
- Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 lại tiếp tục âm tháng thứ 3 liên tiếp. Cùng với việc thị trường tiền tệ trì trệ, liệu đã đến lúc đáng lo ngại về tình trạng thiểu phát của nền kinh tế?
Phó Thủ tướng VŨ VĂN NINH: Đánh giá nền kinh tế đã ở mức thiểu phát hay chưa phải dựa vào nhiều tiêu chí. CPI giảm cũng phải xem nguyên nhân chủ yếu từ đâu. Ở đây, CPI của ta giảm phần lớn do giá lương thực thực phẩm giảm. Giá lương thực thực phẩm giảm có ảnh hưởng đến người dân, Chính phủ cũng đã có chính sách để hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay các chỉ số sản xuất công nghiệp có khá lên.
Nhưng đúng là nền kinh tế còn đang hết sức khó khăn, doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Điều đó không ai phủ nhận. Chính vì thế Chính phủ cũng đang tính toán và trong phiên họp tới đây sẽ bàn, sẽ xem xét để tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 02. Cũng có ý kiến việc triển khai nghị quyết là chậm, phải làm nhanh hơn. Hơn nữa, cũng phải xem xét để huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế. Gọi là nới lỏng thì không chính xác, chúng ta chưa dùng đến biện pháp đó nhưng cũng phải tạo điều kiện để nâng tổng cầu của nền kinh tế. Vì Chính phủ chưa quyết định nên đây mới là ý kiến của cá nhân tôi.
- Tại các phiên thảo luận tổ vừa rồi, một số ĐBQH đặt vấn đề nới trần nợ công và bội chi. Phó Thủ tướng nghĩ sao?
Thứ nhất, chính sách tín dụng phải xem xét điều hành linh hoạt, vì còn khung đến 12%. Hết khung 12% này là quá tốt. Thứ hai, nợ công vẫn đang trong giới hạn an toàn nên cũng cần phải xem xét có thể phải huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế trong lúc khó khăn. Mới đây, Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chính thức kiến nghị với Chính phủ báo cáo với Quốc hội cho phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để đầu tư.
- Còn việc miễn, giãn, giảm thuế mà nhiều người kiến nghị nên áp dụng sớm, ngay từ 1-7 tới. Điều này có khả thi không, thưa Phó Thủ tướng?
Việc này thực ra đã được tính đến từ đầu năm, nhưng thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên đưa vào luật các luật thuế, thông qua được tại kỳ họp này thì thực hiện được ngay. Bên cạnh giải pháp thuế, cũng phải phối hợp rất đồng bộ những việc khác. Vừa rồi, Chính phủ giải quyết tồn kho, xử lý thị trường bất động sản (BĐS), rồi giờ giải quyết nợ xấu và thậm chí những dự án mới nếu có hiệu quả thì ngân hàng phải chỉ đạo để cho vay...
- Việc Công ty VAMC ra đời với mục đích xử lý nợ xấu rất được kỳ vọng, song vẫn có ý kiến cho rằng như vậy mới chỉ là tạm “treo” nợ đó chứ không phải giải quyết được rốt ráo?
VAMC có nhiều chức năng, trong đó có cả việc mua bán nợ chứ không chỉ có việc ấy. Nợ đọng hiện nay chủ yếu gắn với BĐS nên hoạt động của VAMC là nhằm đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng. Bây giờ mà bán các tài sản thế chấp là BĐS thì rất rẻ, nhưng khi thị trường ấm lên thì sẽ khác. Kết hợp rất nhiều yếu tố chứ không phải dễ.
- Thị trường đang lạnh giá, giờ đây VAMC mua lại nhiều BĐS, liệu có khả năng xử lý được không?
Các tổ chức tín dụng vẫn phải quản lý BĐS đã nhận thế chấp. Trên danh nghĩa, VAMC nắm giữ chứ không xử lý cụ thể, việc xử lý cụ thể vẫn phải thông qua những công ty thẩm định giá, đấu giá.
- Việc VAMC không dùng ngân sách mà lại phát hành trái phiếu đặc biệt có đặt ra những nguy cơ rủi ro nào?
Trái phiếu được đảm bảo bằng BĐS cho nên không có vấn đề gì, đó là cách giúp ngân hàng thanh khoản được và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đang có nợ nhưng có dự án hiệu quả được vay khoản mới, vì nếu bị gắn với nợ xấu, nợ cũ thì họ không được vay.
- BĐS giờ rất rẻ, nay lại dùng tài sản ấy đảm bảo cho trái phiếu có bất cập không, thưa Phó Thủ tướng?
Trừ phi cố ý làm bậy, hoặc là doanh nghiệp vay vốn từ chính ngân hàng của mình; còn hầu hết các tổ chức tín dụng khi nhận thế chấp đều chỉ cho vay thấp hơn giá trị thực và cũng chỉ cho vay một tỷ lệ thôi chứ không cho vay toàn bộ giá trị BĐS, không có gì đáng ngại.
- Tại sao bản thân các ngân hàng thương mại đang giữ tài sản thế chấp không chấp nhận lỗ, đem tài sản thế chấp ra đấu giá để cắt lỗ?
Có chứ. Các ngân hàng vẫn đang làm việc ấy một cách bình thường theo Luật Tín dụng, chứ không phải đóng băng hết toàn bộ tài sản thế chấp.