Hơn 7000 SIM của Viettel bị sử dụng để trộm cước viễn thông

Để trộm cắp cước viễn thông, đối tượng đã thuê đường truyền Internet cáp quang có tốc độ đường truyền rất cao của Công ty Viễn thông FPT và Viễn thông Hà Nội.

Sáng ngày 3/4, tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quý I/2013, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Nguyễn Văn Hùng đã thông báo Cơ quan An ninh điều tra - Bộ công an vừa điều tra được vụ việc trộm cắp viễn thông quốc tế liên quan đến các đối tượng người Trung Quốc là Nong Wei Jie và Su Yong Rui.

Theo đó, hành vi của các đối tượng này đã phạm vào tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, hai đối tượng này chỉ là hai đối tượng đồng phạm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu là người Trung Quốc khác hiện không có mặt tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, công nghệ đối tượng sử dụng là công nghệ điện thoại trên nền Internet (VoIP - Voice over Internet Protocol). Thiết bị đối tượng sử dụng có công nghệ mới, phần quản trị gồm lắp thiết bị di động, quản trị nhận thực mạng di động được thực hiện tập trung tại một điểm, phần giao diện vô tuyến với mạng di động được lắp đặt ở 2 vị trí khác nhau.

Điều này có ý nghĩa phân tải trong quá trình chuyển lưu lượng điện thoại đến nhiều trạm BTS khác nhau, vừa có ý nghĩa trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Hơn 7000 SIM của Viettel bị sử dụng để trộm cước viễn thông
 

Để trộm cắp cước viễn thông, đối tượng đã thuê đường truyền Internet cáp quang có tốc độ đường truyền rất cao (FTTH - tốc độ 10 Gigabit/giây) của Công ty Viễn thông FPT và Viễn thông Hà Nội. Sau đó, sử dụng SIM của các mạng di động (SIM thu được tại hiện trường khoảng 6700 SIM của mạng Viettel) kết nối vào các mạng viễn thông của Việt Nam.

Ngoài số SIM trả trước trên, hai đối tượng này còn thuê hơn 500 SIM thuê bao di động trả sau của Viettel của Nguyễn Văn Long, sinh năm 1987, xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội.

Thiết bị thu giữ tại hiện trường bao gồm: 2 thiết bị sử dụng công nghệ truy nhập mạng di động có tên iGatevGate, 2 bộ chuyển đội quang/điện; 2 bộ định tuyến kết hợp modem Internet, 2 thiết bị tên New Rok (dự đoán là thiết bị VoIP Gateway); 18 bộ tập trung SIM di động, mỗi bộ lắp được 8 SIM di động; anten, cáp mạng các loại; Một số tài liệu liên quan (bản giấy); Khoảng hơn 4500 bột KIT (còn nguyên SIM di động của mạng Viettel.

Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết thời gian vừa qua VNPT và Viettel cùng phối hợp và báo cáo Bộ TT&TT và cùng với các doanh nghiệp nâng giá cước thanh toán của điện thoại quốc tế chiều về từ 2,7  cent/phút lên khoảng 6 cent/phút. Nhờ tăng giá cước, tổng dung lượng điện thoại quốc tế chiều về tăng lên 4 - 5 tỷ phút /năm mang về doanh thu 20 - 30 triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, khi tăng cước thanh toán cước thì cũng xảy ra hiện tượng kinh doanh lậu tràn lan. Theo thống kê của các doanh nghiệp, tỷ trọng kinh doanh không phép, lậu tăng đến 20 - 30% lưu lượng.

“Thanh tra Bộ TT&TT cùng với các doanh nghiệp thời gian tới tập trung xử lý gấp những vụ việc kinh doanh lậu cước quốc tế chiều về vì những vụ việc xảy ra nhanh”, Cục trưởng Phạm Hồng Hải kiến nghị.

Mới đây, tại buổi làm việc của Bộ TT&TT với Công ty Viễn thông quốc tế (VTI), thành viên VNPT, ông Lâm Quốc Cường, Giám đốc Công ty cũng đã kiến nghị Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng kinh doanh trái phép các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại