Hướng dẫn thực hiện Luật các TCTD 2010 và nhằm hoàn thiện quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NHNNg, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg (Thông tư 02), có hiệu lực từ 01/6/2013.
Thông tư 02 phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế
Nội dung quy định của Thông tư 02 là một chủ trương nhằm phù hợp với thực tế hoạt động ngân hàng hiện nay của TCTD, chi nhánh NHNNg, tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế và phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng, nợ xấu, từ đó phục vụ cho quá trình thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu hệ thống giai đoạn 2011-2015, cụ thể:
So với Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/4/2007 của Thống đốc NHNN, Thông tư 02 có một số thay đổi căn bản như sau: bổ sung thêm một số tài sản có phải phân loại, trích lập dự phòng; quy định các TCTD, chi nhánh NHNNg phải phân loại các khoản nợ vi phạm vào nhóm nợ xấu (nhóm 3); phải sử dụng kết quả phân loại nợ của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) để điều chỉnh kết quả tự phân loại; Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23/04/2013 của Thống đốc NHNN về việc phân loại đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày Thông tư 02 có hiệu lực thi hành.
Cần thiết phải hoãn thời hạn thực hiện Thông tư 02
Trong điều kiện kinh tế trong nước và nước ngoài còn nhiều khó khăn như hiện nay, để đảm bảo thận trọng trong việc thực hiện Thông tư 02, sau khi Thông tư 02 được ban hành, NHNN vẫn tiếp tục yêu cầu các TCTD, chi nhánh NHNNg tính thử nợ xấu, số tiền trích lập dự phòng ở thời điểm gần nhất, nhằm đánh giá tác động của việc thực hiện Thông tư 02.
Trên cơ sở đánh giá tác động của Thông tư 02, ngày 27/05/2013, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-NHNN về việc sửa đổi một số điều của Thông tư 02. Theo đó, thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 được sửa đổi từ ngày 01/6/2013 sang ngày 01/6/2014.
Việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực thi hành của Thông tư 02 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp cho TCTD, chi nhánh NHNNg có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đầy đủ Thông tư 02.
Với sự điều chỉnh và trong thời gian một năm cho tới khi Thông tư 02 có hiệu lực thi hành, các TCTD, chi nhánh NHNNg phải tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và Đề án xử lý nợ xấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài việc ban hành Thông tư 12 nêu trên, NHNN dự kiến sẽ ban hành Chỉ thị của Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định tại Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23/04/2013 của Thống đốc NHNN về việc phân loại đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ; đồng thời yêu cầu các TCTD xây dựng lộ trình thực hiện Thông tư 02 và triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Các thay đổi nêu trên của Thông tư 02 so với quy định hiện hành đều theo hướng chặt chẽ hơn. Do đó, nếu thực hiện Thông tư 02 thì nợ xấu, số tiền trích lập dự phòng của hệ thống TCTD sẽ tăng. Như vậy, nguồn vốn của TCTD, chi nhánh NHNNg chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, chi phí vốn của TCTD, chi nhánh NHNNg sẽ tăng.
Vì vậy, việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 cũng là nhằm để các TCTD, chi nhánh NHNNg có thời gian xây dựng lộ trình thực hiện Thông tư 02 để tránh những tác động tức thì đến số tiền trích lập dự phòng, cũng như nguồn vốn của TCTD, chi nhánh NHNNg.
Là lựa chọn khôn ngoan
Việc giãn thời hạn thi hành Thông tư 02 của NHNN đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế. TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận xét, Thông tư 02 không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và rộng ra là cả nền kinh tế.
Khi Thông tư 02 đi vào thực hiện đồng nghĩa với việc Quyết định 780 về gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ chấm dứt hiệu lực. Thậm chí, nhiều khoản nợ trước đây được gia hạn, cơ cấu lại theo Quyết định 780 sẽ bị đẩy vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn. Điều đó sẽ làm nợ xấu tại nhiều ngân hàng gia tăng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc áp dụng Thông tư 02 có thể khiến con số nợ xấu của một số ngân hàng tăng cao và hệ quả là các ngân hàng này phải tăng trích lập DPRR, từ đó ảnh hưởng tới lộ trình giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Nguy hiểm hơn, khi khoản vay bị xếp vào nhóm nợ xấu, nhiều DN sẽ đứng trước nguy cơ bị cắt nguồn tín dụng. Trong bối cảnh khó khăn, nếu bị cắt nguồn tín dụng, DN khó có thể tồn tại.
Theo TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Ngân hàng TPHCM, nếu áp dụng ngay Thông tư 02 nền kinh tế sẽ chuyển sang giai đoạn rất xấu. Các doanh nghiệp vừa mới vực dậy thì nay có nguy cơ rơi trở lại vào khó khăn, không thể tiếp tục vay được vốn do bị quay trở lại nhóm nợ xấu. Nợ xấu gia tăng cũng buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, không thể tăng trưởng tín dụng.
TS. Lê Thẩm Dương cho rằng, không thể cực đoan trong điều hành, mà người quản lý bao giờ cũng phải chọn phương án ít xấu nhất trong những phương án xấu. Vì thế, việc NHNN hoãn áp dụng Thông tư 02 trong vòng một năm theo ông Dương là lựa chọn khôn ngoan.
Trước những ý kiến cho rằng hoãn Thông tư 02 sẽ khiến nợ xấu chưa được làm rõ, ông Dương cho biết vấn đề nào cũng có hai mặt. Thông tư 02 mang tính chiến lược, có tác dụng chuẩn hóa nợ xấu, làm rõ bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Việc thực hiện Thông tư 02 sẽ giúp ngành ngân hàng chủ động quản trị rủi ro. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, việc hoãn Thông tư 02 chỉ là giải pháp tình thế, không thể so sánh với giải pháp dài hạn được.