Hô biến hàng vỉa hè thành 'hàng hiệu'

Theo VTC |

Với chiêu thức khuyến mại, giảm giá nhưng lại đánh tráo hàng hiệu bằng hàng vỉa hè, người tiêu dùng ngày càng thấy mất lòng tin.

"Khuyến mại à, tôi chả tin"

“Khuyến mại 2 ngày cuối”, “đại hạ giá 5 ngày để trả mặt bằng”, thanh lý cửa hàng, mua 1 tặng 1, và đặc biệt là những mặt hàng được dán mác sale off (giảm giá) 30% - 50%, hay thậm chí còn có những trường hợp mà theo người bán quảng cáo là "giảm giá kịch sàn"…là những kiểu khuyến mại đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Đã một thời, các tấm biển khuyến mại, quảng cáo này có sức hút lớn đối với các chị em phụ nữ vì tâm lý ai cũng thích mua được đồ đẹp lại rẻ. Tuy nhiên, việc khuyến mại không trung thực đã khiến cho nhiều người cứ nhìn thấy khuyến mại, giảm giá lại phải tặc lưỡi “Tôi chả tin”.

Chị Lan (Mai Động, Hà Nội) kể, cuối tuần trước, chị và gia đình đi mua hàng ở một siêu thị trên đường Tam Trinh. Thấy một gói xà phòng to loại 5 kg được tặng kèm một chai nước xả vải 500ml.

Chị Lan nhẩm tính, nếu mua lẻ mỗi sản phẩm thì sẽ đắt hơn, cho nên khuyến mại như vậy là "hời" rồi. Vì thế, dù gói xà phòng 5 kg hơi lớn so với nhu cầu sử dụng của gia đình chị và giá cũng tới gần 200.000 đồng, nhưng chị Lan vẫn quyết định mua.

Tuy nhiên, khi về nhà ghé qua một cửa hàng tạp hóa gần nhà, chị Lan mới té ngửa vì giá của cả gói xà phòng và chai nước xả vải mua riêng lẻ hóa ra vẫn rẻ hơn gói xà phòng chị vừa mua ở siêu thị.

Tương tự như chị Lan, chị Hải (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) cũng bức xúc vì vừa mua “hớ” một chiếc áo hàng hiệu giảm giá nhưng thực chất là hàng chất đống vỉa hè.

Chị Hải kể, cách đây 2 hôm chị cùng mấy chị em cùng cơ quan ra phố Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) mua đồ, thấy một shop đề biển thanh lý, hàng đồng giá 200.000 – 300.000 đồng/chiếc, nên mọi người cùng vào xem. Chị Hải chọn được một chiếc váy thấy mác đề “zara”, giá chỉ 300.000 nghìn đồng, trong khi giá chưa giảm là 1.700.000 đồng. Thấy hàng hiệu giá rẻ nên chị mua luôn.

Hô biến hàng vỉa hè thành 'hàng hiệu'
 

“Hôm sau tôi qua khu Cầu Giấy, thấy hàng vỉa hè nhìn cũng bắt mắt, giá lại chỉ 70.000 – 100.000 đồng/chiếc nên cũng tò mò dừng xe xem. Tôi rất bất ngờ khi thấy chiếc váy có mác zara giống y hệt về kiểu dáng và chất liệu vải, nhưng giá chỉ 120.000 đồng”, chị Hải nói.

Vốn là dân nghiền mua sắm, nên đây không phải là lần đầu tiên chị Hải được ăn quả “lừa”. Chị Hải kể, hôm 8/3 chị đi mua quần áo ngủ ở cửa hàng Winny trên phố Đội Cấn (Ba Đình), thấy đề biển giảm giá 30% nên chị rất háo hức.

Hì hụi chọn mãi chị cũng chọn được 1 bộ đồ ngủ ưng ý với mức khuyến mại lên tới 30%. Tuy nhiên, khi ra quầy thanh toán, chị rất choáng vì chỉ được giảm 20%. Thắc mắc với nhân viên thu ngân thì em này tưng tửng trả lời: “Do lỗi hệ thống chị à, bọn em chưa kịp thay đổi mức khuyến mại”.

Trong khi đó, bộ quần áo chị chọn cùng rất nhiều bộ khác giống như thế vẫn đang nằm trong khu vực giảm giá 30%.

“Mình mất công chọn mãi mới được một bộ ưng ý, không lẽ vì vài chục nghìn tiền khuyến mại mà không mua nữa. Nhưng rất ức chế vì khi lựa chọn là mình đã nghĩ được giảm 30% rồi”, chị Hải bức xúc nói.

Đủ chiêu trò

Thực tế, đa số các thương hiệu có uy tín rất ít khi giảm giá hoặc khuyến mại, trừ hàng thiếu size hoặc lỗi mốt.

Theo tiết lộ của một chủ cửa hàng chuyên bán đồ lót Triump (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) thì, các mặt hàng này rất ít giảm giá, bởi điều đó có thể hạ thấp thương hiệu của sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ đặt ra nghi vấn về chất lượng hàng hóa hoặc nếu người mua ồ ạt sẽ gây thất thu cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, những mặt hàng khuyến mại của cửa hàng cũng chỉ khiêm tốn dừng ở mức 10% - 20%, áp dụng cho các mặt hàng thiếu size hay lỗi mốt.

Tại một cửa hàng chăn ga, gối đệm Hàn Quốc trên phố Tam Trinh, chủ hàng cũng đề một tấm biển rất lớn là khuyến mại, giảm giá hấp dẫn. Theo đó, chiếc đệm dầy 9 phần hiệu Hankovina có giá gốc là 2.700.000 đồng, giá khuyến mại còn 2.200.000 đồng.

Tuy nhiên, chỉ các đó chừng 100 m, một cửa hàng chăn ga, gối đệm Hàn Quốc khác không có chương trình khuyến mại nào nhưng giá cũng chỉ 2.100.000 đồng/chiếc đệm cùng loại.

Không chỉ đánh vào giá, nhiều nơi còn sử dụng các chiêu khuyến mại đánh vào thời gian để tăng sức hút với khách hàng.

Cửa hàng quần áo của chị Mai Anh (Phố Thụy Khuê - Hà Nội) đã bớt đìu hiu sau khi thay quảng cáo "Sale off 50" thành "Khuyến mại 50% trong vòng 1 tuần". Được biết, lượng bán ra tăng rõ rệt, có thời điểm gấp đôi so với trước đó.

Chị Mai Anh cho hay: "Cách đây 2 tháng, mùa hè đã cận kề, các cửa hàng bên cạnh ào ào nhập hàng mới, trong khi cửa hàng tôi vẫn tồn hàng đông. Dù khuyến mại khủng lắm rồi nhưng không ai để ý. Đến khi thêm 1 tuần vào băng rôn thì khách mới vào xem đông nghịt. Làm như thế khiến mọi người sẽ có cảm giác sợ bỏ qua cơ hội, vì 1 tuần sẽ hết đợt khuyến mại”.

Trước các chiêu khuyến mại không trung thực kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” đang ngày càng phổ biến, ông Vũ Vinh Phú - đại điện Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, nếu các doanh nghiệp áp dụng chiêu khuyến mại vô tội vạ, song thực chất giá vẫn cao hơn so với mặt bằng giá chung thì người tiêu dùng sẽ mất lòng tin, bởi cảm giác mình bị móc túi một cách trắng trợn.

“Nguy hại hơn, điều này sẽ khiến cho nhiều cửa hàng, doanh nghiệp chân chính đưa ra chương trình giảm giá kích cầu thực sự bị ảnh hưởng uy tín một cách nghiêm trọng", ông Phú nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại