Ngày 31/7, báo điện tử Trí thức trẻ nhận được phản ánh của anh Nguyễn Mộng Nhật Minh ở Hà Nội cho biết, hai tháng nay, hóa đơn tiền điện nhà anh tăng lên đột biến. Nếu sự việc không bị vô tình phát hiện thì anh vẫn phải tiếp tục "è cổ” trả tiền điện cho nhà hàng xóm.
Cụ thể, anh Minh cho biết, anh và 2 người bạn thân sống tại P204 khu tập thể T4, Viện Thú y, đường Trường Chinh, Hà Nội. Trong nhà có một số thiết bị điện bao gồm: 3 quạt, 1 tủ lạnh loại 1 ngăn, 1 máy giặt, 1 tivi nhưng rất ít khi sử dụng do cả ba người đều thường xuyên vắng mặt ở nhà.
Từ tháng 5/2014 trở về trước, trung bình mỗi tháng gia đình anh chỉ phải trả chưa đầy 200.000 đồng hóa đơn tiền điện. Tuy nhiên sang tháng 6, trong lúc anh đi công tác, người cùng nhà đã đứng ra thanh toán hóa đơn sử dụng điện lên đến 750.000 đồng. Tuy có một chút băn khoăn khi thấy số tiền tăng cao bất thường nhưng vì công việc bận bịu nên anh không để ý nhiều.
Hóa đơn điện 753.820đ mà gia đình anh Minh phải trả trong tháng 6
Trong tháng 7, cả ba người trong nhà lại lần lượt đi công tác dài ngày nên nhân viên đến thu tiền điện 2 lần nhưng không có ai đứng ra nộp.
Đến ngày 30, nhân viên điện lực mang đến tờ thông báo tạm ngừng cung cấp điện do hóa đơn 842.000 đồng tiền điện tháng trước đó chưa được thanh toán. Điều lạ ở đây là khi nhân viên này mở công tơ ra để ngắt điện, thì điện nhà hàng xóm phụt tắt hoàn toàn trong khi điện nhà anh Nhật Minh vẫn sáng choang.
Số tiền điện tháng 7 anh Minh được yêu cầu thanh toán là 872.554đ
“Hỏi anh Hồng (hàng xóm) mới hay hóa đơn tiền điện của anh ấy tháng 6 chỉ có 138.000 đồng, tháng 7 thì 153.000 đồng. Trong khi các tháng trước trung bình họ phải trả ở mức 700 - 800.000đồng/tháng. May mà chúng tôi quên đóng tiền để người ta cắt điện đấy", anh MInh chia sẻ.
Để hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi đã liên lạc với nhân viên kỹ thuật Nguyễn Giáp Cường - nhân viên kỹ thuật của Chi nhánh điện lực Đống Đa tại 102 Trung Tự, người đã trực tiếp kiểm tra công tơ điện của trường hợp trên.
Anh Cường xác nhận sự việc với phóng viên và cho biết thêm: Sáng ngày 31/7, khi anh Minh yêu cầu chi nhánh điện lực Đống Đa cử nhân viên kỹ thuật xuống hiện trường xem xét. Ạnh Cường đã trực tiếp xuống hiện trường. Hai bên đã cùng nhau mở công tơ kiểm tra thì phát hiện ra đường dây điện của hai hộ này được nối chéo nhầm với công tơ điện của hộ kia. Vì vậy thay vì chỉ phải thanh toán hóa đơn 153.000 đồng tiền điện của tháng 6 và 183.000 đồng tiền điện của tháng 7 thì anh Minh lại bị yêu cầu thanh toán thay hàng xóm 2 hóa đơn gần 1.600.000 đồng.
"Đầu tháng 6 có một đợt thay mới công tơ điện và bên thi công đã đấu nối nhầm nên sai sót mới chỉ xảy ra trong 2 tháng gần đây. Chúng tôi đã ghi nhận sự việc và sẽ giải quyết, đổi lại đường dây cho đúng công tơ của các nhà", anh Cường nói.
Công tơ điện số 1 và 2 của nhà hàng xóm. Công tơ số 3 của nhà anh Minh. Các công tơ này được đấu nối nhầm lẫn khiến anh Minh phải trả hóa đơn số điện của cả 2 công tơ trên cộng lại.
Đây không phải là lần đầu tiên điện lực bị khách hàng phản ánh về những hành vi nhầm lẫn tắc trách của mình. Chỉ nói riêng trên địa bàn Hà Nội, trong nửa đầu năm 2014, số vụ nhầm lẫn liên quan đến việc hóa đơn tiền điện tăng vọt đã xảy ra hàng loạt, nhan nhản trên địa bàn các quận huyện như Cầu Giấy, Sóc Sơn...
Ban đầu, các hộ dân đều nghi ngờ chất lượng của công tơ mới không đạt tiêu chuẩn dẫn đến sai sót. Tuy nhiên qua kiểm tra, đại diện lãnh đạo Điện lực Hà Nội đã lên tiếng khẳng định việc thay định kỳ công-tơ được tiến hành đúng quy trình. Công-tơ mới đã được đăng ký mẫu mã, kiểm định theo tiêu chuẩn của Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam.
Còn tình trạng loạn số công tơ điện dẫn đến sự chênh lệch số điện tại công-tơ của các hộ gia đình, được giải thích là do cán bộ, công nhân viên khi ghi chỉ số công-tơ đã ghi nhầm chỉ số của nhà này sang nhà khác. Từ đó dẫn đến sản lượng sử dụng điện của các hộ dân có nhà tăng đột biến, có nhà lại quá thấp và không chính xác.
Sau những lùm xùm này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực đã lên tiếng khẳng định "nếu phát hiện nhân viên nào ghi sai sản lượng điện, gây thiệt hại cho khách hàng, nhân viên đó sẽ bị đuổi việc ngay lập tức". Tuy nhiên dường như đe dọa này vẫn không đủ sức ngăn chặn cho ngành điện tránh khỏi việc bị nhân dân khiếu nại vì hàng ngày vẫn có nhiều sai sót bất cập tương tự xảy ra.
>>> Xem thêm clip: EVN giải quyết thắc mắc hóa đơn tiền điện thế nào?
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA