Theo các chuyên gia kinh tế, với số lượng tổng dư "siêu khủng", lãi lớn như vậy, đây sẽ là "đĩa mật" mà các ngân hàng hướng đến trong thời gian tới. Liệu các ngân hàng cả nước có xảy ra một "cuộc đua" mở tài khoản để thu lãi từ thẻ ATM ?
Hệ thống ATM "ôm" gần 90.000 tỷ đồng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về tiền gửi tài khoản thanh toán của khách hàng. Tính đến hết tháng 6/2013, có hơn 89.800 tỷ đồng trong tài khoản thẻ ATM, tương ứng với hơn 42,7 triệu tài khoản.
Số tiền này hầu hết nằm trong các ngân hàng dưới dạng tài khoản nhận lãi suất không kỳ hạn là 1,2%/năm, áp dụng cho VND. So với tháng 6, số tiền "chôn" trong ngân hàng dưới dạng tài khoản thanh toán (chủ yếu là trong thẻ ATM) đã ít hơn khoảng 10.000 tỷ, song vẫn còn khá cao so với mức chung của thị trường, cũng như thời điểm những tháng cuối năm 2012.
Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, nhiều người dân và các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay đang tồn tại sự bất công bằng khi số tiền này chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn 1,2%/năm, trong khi trần lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn cao gấp 6-7 lần con số này. Chưa dừng lại, dù "ôm" một lượng tiền khổng lồ, nhà băng vẫn đòi thu phí giao dịch ATM nội mạng với lý do nghiệp vụ này đang chịu lỗ.
Trên thực tế, giao dịch nội mạng, số tiền đó vẫn nằm trong hệ thống, tổng số dư của ngân hàng do đó cũng không đổi, ngân hàng đòi thu phí khác nào "móc túi" người dân. Trong khi ngân hàng tận dụng nguồn tiền gửi lãi suất "siêu rẻ" để kiếm lời thì khách hàng vẫn là người chịu thiệt thòi.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, các ngân hàng trên cả nước cũng coi việc nhân rộng người mở tài khoản ATM là mục tiêu kinh doanh. Thậm chí, để mở rộng được "mạng lưới" này, họ "tấn công" vào các trường học, cơ quan, công ty... Chỉ cần một chiếc chứng minh thư, trong một thời gian ngắn, người dân đã có một tài khoản ATM trong tay.
Ngân hàng luôn có lợi thế
Trao đổi với PV, một cán bộ từng công tác tại hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích: "Tôi không rõ hiện nay số máy ATM trên toàn quốc là bao nhiêu. Tuy nhiên, con số này cũng phải lên tới hàng chục nghìn. Theo nguyên tắc, để đảm bảo tiền cho người dân giao dịch, mỗi một máy phải để lưu trong máy khoảng 1 tỷ đồng/ngày.
Như vậy, từ số máy trên nhân lên, các ngân hàng đã mất hàng chục nghìn tỷ đồng "nằm chết" trong các máy ATM. Thực tế, các ngân hàng cũng có thể sử dụng một ít trong tổng số tiền tài khoản thẻ nhưng không có nghĩa là toàn bộ. Ngoài ra, họ còn phải chi phí cho việc bảo dưỡng máy, mua máy; cho việc chuyển tiền hay các hoạt động an ninh..."
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toại, phó TGĐ Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho hay: Các ngân hàng chỉ hưởng lợi từ số tiền đó với điều kiện là nó để lâu trong cây ATM. Tuy nhiên, đây là số tiền gửi ở dạng không kỳ hạn, người gửi có thể rút bất cứ khi nào.
Chẳng hạn như những người công nhân, họ nhận lương mấy hôm rồi lại rút ra thì cũng chẳng trông chờ số tiền ấy có kịp sinh lãi hay không. Số tiền gần 90.000 tỷ đồng là con số bình quân vào thời điểm nào đó chứ thực tế có hay không lại là câu chuyện khác. Không phủ nhận chuyện ngân hàng có thể hưởng lợi từ con số tiền tỷ trong các tài khoản thẻ, nhưng lời lãi đó không nhiều, bởi họ phải luôn sẵn sàng đảm bảo nhu cầu rút tiền bất cứ khi nào khách hàng cần.
Cũng theo ông Toại, trong thực tế, các ngân hàng đã luôn cạnh tranh trong việc thu hút khách hàng mở tài khoản thẻ. Tài khoản thẻ mở ra còn liên quan đến nhiều vấn đề chứ không phải chỉ xuất phát từ việc tiền trong thẻ có thể sinh lời. Cũng theo vị này, đã từ lâu, các ngân hàng đặt mục tiêu phát triển về số lượng tài khoản ATM chứ không phải đến bây giờ, khi ngân hàng Nhà nước đưa ra con số gần 90.000 tỷ đồng "nằm chết" trong tài khoản.
Bài toán kinh doanh
Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Trần Đình Triển, nguyên trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ (hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) bày tỏ quan điểm, lãi suất tiền gửi tài khoản và lãi suất tiết kiệm có sự chênh nhau là lẽ đương nhiên. Một bên là lãi 1,2% và một bên là trên 7%.
Mức chênh lệch này khiến nhiều người cho rằng, khách hàng đang phải chịu thiệt thòi còn ngân hàng thì được hưởng lợi từ khoản tiền hàng chục tỷ đồng đó. Khách hàng gửi thẻ ATM đã chịu lãi suất 1,2% tức là họ đã tự nguyện "cắt" một khoản cho ngân hàng. Nhà băng cũng được hưởng lợi từ nguồn tiền hàng chục tỷ trong hệ thống ATM.
Tuy nhiên, được cái lợi này thì khách hàng phải chấp nhận mất cái lợi kia. Tiền gửi ATM thực chất là một tài khoản thanh toán. Bản thân người sở hữu có thể rút bất cứ lúc nào và ngân hàng phải luôn đảm bảo đủ lượng tiền cho khách hàng rút. Với nguồn tiền đó, nếu chủ tài khoản đột ngột rút với số lượng lớn cũng khiến ngân hàng khó mà xoay xở kịp.
Theo luật sư Trần Đình Triển, không chỉ ở thế bị động khi sử dụng số tiền đó, các ngân hàng còn phải đầu tư rất nhiều đối với hạng mục ATM, từ mua cây thẻ, nối mạng đến chi phí lắp đặt, bảo dưỡng... Do đó, lãi suất gửi ATM thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm là đương nhiên. "Ngân hàng cũng phải khấu trừ được khoản lợi nhuận thì mới chịu đầu tư lắp đặt các cây ATM", ông Triển nhấn mạnh.