Thông tin ông Thụ bị bắt khiến nhiều đại gia ngành sắt thép Hải Phòng thấy buồn bởi lâu nay ông được tiếng làm ăn đàng hoàng. Năm 1995, ông Thụ thành lập Công ty Thái Sơn, chuyên doanh sắt thép phế liệu, phá dỡ tàu cũ và nhanh chóng phất lên. Năm 2007, ông mở rộng đầu tư vào đóng tàu, sản xuất phôi thép và kinh doanh nhà đất. Sản lượng bán hàng của công ty đạt 10.000- 20.000 tấn mỗi tháng, doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng một năm.
Năm 2011, Công ty Thái Sơn lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng. Dưới thời hoàng kim, Công ty Thái Sơn được nhiều ngân hàng săn đón cấp lượng vốn lớn. Năm 2008, do kinh tế khủng hoảng, giá sắt thép giảm mạnh tới 50%, cùng với việc không bán được hàng, Công ty Thái Sơn lâm vào khó khăn. Lượng hàng tồn kho lớn, tới 70.000 - 80.000 tấn nên năm đó lỗ khoảng 250 tỷ đồng.
Trong thời gian này, Thái Sơn bán vật tư cho Công ty công nghiệp tàu thủy Thái Sơn (công ty con) giá hơn 110 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng đóng mới 3 con tàu đã ký với Công ty cho thuê tài chính II (ALCII).
Năm 2009, ALCII mới giải ngân được 60 tỷ đồng thì vỡ nợ và ngừng giải ngân. Đến tháng 5/2010, Công ty Thái Sơn chỉ thu hồi được 85% tiền gốc và mất lãi. Năm 2011, tín dụng ngày càng bị thắt chặt, lãi vay tới 24% (chưa kể chi phí), Công ty Thái Sơn bắt đầu mất cân đối tài chính, không thể trả nợ đúng hạn và ngừng trả lãi. Tới tháng 2/2012, dư nợ vay của công ty này tại 13 tổ chức tín dụng (12 ngân hàng và 1 công ty tài chính) đã trên 752 tỷ đồng, trong đó, nhiều ngân hàng tại Hà Nội và Hải Phòng có dư nợ lớn từ 70 -100 tỷ đồng. Đến nay, 100% khoản nợ của công ty đã thành quá hạn.
Ngoài ra, Công ty Thái Sơn còn nợ 7 công ty khác hơn 180 tỷ đồng. Công ty TNHH Thép Minh Thanh (trụ sở tại TP HCM), do ông Phạm Hải Thanh (con trai ông Thụ) làm Giám đốc, hiện có dư nợ 380 tỷ đồng. Như vậy, tổng số nợ của hai doanh nghiệp bố con ông Thụ là trên 1.300 tỷ đồng.
Ngày 4/7, hơn một tháng trước khi bị bắt, trong báo cáo gửi các ban, ngành thành phố Hải Phòng, ông Thụ cho biết, cuối năm 2008, Công ty Thái Sơn gặp khó khăn, dư nợ vay lớn nên không thể trả nợ đúng hạn, áp lực thanh toán cả gốc và lãi ngày càng lớn. Trong vòng 4 năm từ 2008-2011, công ty này đã phải trả lãi cho các tổ chức tín dụng hơn 400 tỷ đồng. Trong khi đó, các ngân hàng bắt đầu thắt chặt tín dụng, khước từ mọi đề nghị vay vốn mua hàng mới, không cho gia hạn nợ hay giảm lãi.
Mặc dù hình thức “vay đảo nợ” bị ngân hàng nhà nước cấm, nhưng Công ty Thái Sơn vẫn tìm được “cửa” để lách. Theo một cán bộ Ngân hàng Nhà nước, Công ty Thái Sơn đã dùng vốn vay ngân hàng để trả nợ cho chính ngân hàng chủ nợ (hình thức đảo nợ) và các ngân hàng khác.
Bằng cách bán hàng cho các công ty trong nhóm và dùng lô hàng này thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng, Công ty Thái Sơn đã có vốn để trang trải nợ nần. Tuy nhiên, thực chất dòng tiền chỉ chạy vòng quanh giữa các ngân hàng chủ nợ.
Cuối năm 2010, ông Phạm Hải Thanh đã vay 270 tỷ đồng tại chi nhánh Ngân hàng Đông Á, TP HCM để mua tổng cộng 12.000 tấn hàng dưới danh nghĩa Công ty Thép Minh Thanh. Sau đó, ông này bán lại các lô hàng cho Công ty Thái Sơn. Công ty Thái Sơn lại dùng số hàng đó thế chấp vay vốn của nhiều ngân hàng để trả nợ.