Chỉ nhìn vào con số trên thì nhận định chung sẽ là quan
hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan đã và đang
phát triển mạnh.
Chỉ cần nhìn vào
cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước, đã thấy ngay câu chuyện
khác: đó là nhập siêu từ Thái Lan ngày càng "vượng".
Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan dầu thô, than đá, thuỷ sản, nông sản, rau quả, dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây chỉ toàn là hàng thô, gia công, giá thấp, giá trị gia tăng cũng thấp.
Còn Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan linh kiện, phụ tùng ôtô, chất dẻo
nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng, xăng dầu, linh kiện xe máy,
sắt thép các loại. Hàng công nghệ, giá ắt cao.
Một cửa hàng chuyên bán đồ tiêu dùng tại Hà Nội
Mốt xài hàng Thái từ lâu đã phổ biến trong nhiều tầng lớp người Việt.
Sắm xe máy Thái yên tâm hơn xe Tàu. Hàng dệt may Trung Quốc lắm kiểu
cách, giá hạ hơn hàng Thái, nhưng khách Việt vẫn thích chọn vì ít hàng
nhái, chất lượng đảm bảo.
Đến nay, Thái Lan có 242 dự án, với trị giá 5,8 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tại 30 địa phương. Đồng thời, hiện có 500 doanh nghiệp Thái Lan mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam ắt kèm theo việc nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện từ quốc gia này để gia công, lắp ráp, nhất là trong điều kiện, công nghiệp phụ trợ của ta ì ạch.
Ta cũng có 56 dự án đầu tư vào Thái Lan, nhưng để kéo nguyên liệu, thiết bị sang bên đó là điều... xa xỉ. Lao động Việt Nam sang bên đó nay cũng đông, chủ yếu làm trong xưởng may hoặc chạy bàn, nhưng hầu hết lại không phép vì hai nước chưa có hiệp định về lĩnh vực này.
Hai nước gần gũi, đường bộ, hàng không, đường thuỷ đều thuận; nhiều mặt hàng tương đồng về thị hiếu, cùng khẩu vị tiêu dùng. Cộng đồng người Việt định cư bên Thái không ít, vậy mà, hàng Việt Nam gần như không thể xâm nhập nổi vào Thái. Còn tại Việt Nam, hàng Thái ngày càng lấn sâu vào trong nội địa.