Tại Hà Nội, có ít nhất một trung tâm thương mại (TTTM) lớn đã đóng cửa từ nhiều tháng nay là TTTM Grand Plaza trên đường Trần Duy Hưng. Trong khi đó, hàng loạt TTTM khác cũng đang gặp khó khăn trong việc cho thuê diện tích trống và giữ chân khách thuê cũ. Những ví dụ cụ thể có thể kể đến như: TTTM Tràng Tiền Plaza, TTTM Hàng Da, TTTM Parkson Thái Hà, hay TTTM Picomall (nay đã đổi tên thành TTTM Mipec Mall)…
Khảo sát trên địa bàn Hà Nội cho thấy, dù đã giáp Tết, nhưng không khí mua sắm, bán hàng tại nhiều TTTM vẫn hết sức èo uột, bất chấp việc các chủ cửa hàng đã giảm từ 40 - 50% giá bán. Nhiều khách thuê mặt bằng kinh doanh thua lỗ đã quyết định rời khỏi TTTM ngay trước mùa mua sắm lớn nhất của năm là thời điểm cận Tết.
Tại TTTM Parkson trên phố Thái Hà, dù có lợi thế về giao thông, nhưng trong thời kỳ cao điểm mua sắm Tết, lượng khách đến mua sắm tại TTTM này hết sức khiêm tốn. Phần lớn người có mặt trong TTTM này vẫn là đội ngũ bảo vệ và nhân viên bán hàng, chứ không phải khách hàng đến mua sắm.
Trước đó, trong một thời gian dài, TTTM này gặp khó khăn do lượng khách hàng đến mua sắm liên tục giảm sút. Không bán được sản phẩm, không có doanh thu, một số đơn vị đã không tiếp tục thuê mặt bằng, khiến một phần diện tích khá lớn của TTTM Parkson vẫn còn trống, dù TTTM đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay.
Sự khó khăn không chỉ đến với các TTTM nằm ngoài trung tâm, bởi ngay TTTM Tràng Tiền Plaza, là TTTM cao cấp, có vị trí đắc địa bậc nhất tại Hà Nội cũng trong hoàn cảnh éo le tương tự, khi lượng khách đến mua sắm rất ít, dù chủ đầu tư đã đổ hàng chục triệu USD để tu sửa, làm mới.
Hiện tại đang là mùa mua sắm cao điểm, nhưng tại TTTM Tràng Tiền Plaza, lượng khách đến mua sắm hàng ngày vẫn ít đến khó tin. Nhiều gian hàng trong nhiều giờ liền không có khách ghé thăm là chuyện hết sức bình thường. Trong khi đó, các TTTM lớn như Hàng Da, Mipec Tower cũng đang vô cùng khó khăn trong việc giữ chân khách thuê, vì lượng người đến mua sắm tại các TTTM này trong đìu hiu suốt thời gian dài.
Các TTTM lớn đã khó khăn là vậy, với các khối đế thương mại của tòa nhà dùng làm TTTM còn khó khăn bội phần. Cụ thể, trong năm 2013, nhiều dự án chung cư được đưa vào sử dụng, với diện tích mặt bằng bán lẻ rất lớn tại các khối đế. Thế nhưng, việc khai thác cho thuê gặp nhiều khó khăn. Nhiều chủ đầu tư thậm chí chấp nhận thua thiệt để lấp đầy diện tích bán lẻ, chỉ với mong muốn lôi kéo khách mua nhà chuyển đến sinh sống…
Theo báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ của CBRE và Savills Việt Nam mới đây, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ và công suất thuê tiếp tục giảm trong quý IV/2013. Cụ thể, Savills Việt Nam cho rằng công suất thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội chỉ đạt 83%, giảm 2% theo quý và 6% theo năm. Trong khi mức giá thuê cũng giảm 2% theo quý và 5% theo năm.
Một phần diện tích lớn tại TTTM này vừa bị khách hàng trả lại
Thống kê của CBRE còn cho ra một kết quả đáng buồn hơn, khi cho rằng giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội quý IV/2013 đã giảm đến 11,9% so với quý trước đó, với tỷ lệ trống lớn hơn, lên đến 15,9%.
Do việc bán hàng gặp khó khăn nên tình trạng đóng cửa hàng cũng diễn ra khá phổ biến. Thống kê của CBRE cũng cho thấy, chỉ trong quý IV/2013, có tới 140 khách thuê tại các TTTM hủy hợp đồng. Đặc biệt, tại các TTTM hiện hữu, số lượng cửa hàng mới mở ít hơn cửa hàng đóng cửa.
Cũng theo các báo cáo nghiên cứu, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tiếp tục tăng, trong khi mặt bằng bán lẻ vừa phải cạnh tranh với nhau về giá với các trung tâm mua sắm mới xuất hiện, vừa phải cạnh tranh với nhà mặt phố vẫn được nhiều đơn vị bán hàng nhắm tới. Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ đang sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2014.