Rầm rộ rồi bỏ hoang
Nằm ở khu vực phía Tây trên đường Phạm Văn Đồng, dự án Habico Tower do Công ty cổ phần Hải Bình làm chủ đầu tư với vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD, là một “huyền thoại” về chung cư siêu đắt ở Hà Nội.
Với mức giá 4.000 USD/m2, Habico Tower đã gây sốc cho giới bất động sản. Căn hộ rẻ nhất của tòa tháp có giá 21 tỷ đồng và căn hộ đắt nhất lên tới 85 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ lần ra mắt đó tới nay, thông tin về dự án cũng như chủ đầu tư dường như im bặt.
3 năm trôi qua so với thời điểm dự kiến hoàn thành, Habico Tower đã mất hút trên thị trường khi vừa hoàn thành xong tầng thứ 9.
Cùng cảnh ngộ, dự án tháp Thiên niên kỷ dự án do TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD với quy mô hoành tráng cũng như độ VIP của các dịch vụ được chấp thuận đầu tư từ năm 2006.
Nhưng đến nay, “công trình thế kỷ” phê duyệt trên địa bàn phường Yết Kiêu, quận Hà Đông vẫn chỉ là một vùng đất trống được quây kín bằng tôn với rác rưởi và cỏ dại.
Trang web của TSQ Việt Nam còn đưa ra rất nhiều thông tin “hot” về dự án thế kỷ này, như: “Với ý tưởng thiết kế độc đáo từ những bó lụa Vạn Phúc, Tháp Thiên niên kỷ Hà Tây sẽ là điểm nhấn kiến trúc của Thủ đô Hà Nội, một biểu tượng mang đậm tính văn hóa địa phương nhưng có thêm những đường nét mới của cuộc sống hiện đại”.
Tòa tháp gồm 2 tòa nhà cao 45 tầng và 4 tầng hầm; khối đế có diện tích gần 16.000 m2 bố trí khu bán lẻ, nhà hàng, phòng tập, văn phòng cho thuê, nhà trẻ, khu trưng bày văn hóa lụa; khu căn hộ từ tầng 7 đến tầng 43 với hơn 700 căn hộ; tầng 44-45 là 10 căn hộ penthouse.
Khu vực đỗ xe và xử lý kỹ thuật được bố trí tại tầng hầm.
Một dự án khác cũng khá long đong là tháp dầu khí 102 tầng tại Mễ Trì, Hà Nội.
Tòa tháp chọc trời từng được tuyên bố soán ngôi tòa tháp cao nhất Việt Nam và thứ 2 châu Á này từ khi công bố tới nay đã phải thay đổi liên tục. Theo dự kiến dự án sẽ được khởi công vào quý I/2012.
Công bố chưa được bao lâu, dự án đã phải cắt bỏ còn 79 tầng, sau đó phải thay đổi liên tục chủ đầu tư do nhiều yếu tố khách quan.
Số vốn từ hơn 1 tỉ USD theo dự kiến ban đầu giảm xuống còn 600 triệu USD. Mới đây, dự án này cũng đã được chuyển cho một nhà đầu tư khác để tiếp tục dự án.
Cắt giảm quy mô
Phần lớn các dự án chậm tiến độ đều do thiếu nguồn vốn bên cạnh đó là sự khó khăn của thị trưởng BĐS. Đẻ tồn tại không còn cách nào khác, họ buộc phải đề xuất thay đổi hoặc cắt giảm một phần dự án.
Do chi phí giải phóng mặt bằng đội lên tới khoảng 10 lần, nên mới đây chủ đầu tư của siêu dự án Gamuda (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) đã xin rút khỏi khu B của dự án này.
Chủ đầu tư cho hay, do những thay đổi về luật đền bù, chi phí GPMB tăng đột biến từ 20 triệu lên đến khoảng 150 triệu USD chỉ riêng cho Khu B tại thời điểm hiện tại.
Do đó, nhà đầu tư không thể tiếp tục ứng trước chi phí này trong khi chính quyền địa phương không thể tiến hành việc GPMB.
Trước đó, chủ đầu tư của siêu dự án này cũng đã đề xuất xin điều chỉnh quy hoạch công viên Yên Sở, bổ sung thêm chức năng nhà ở thương mại.
Siêu dự án ParkCity Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới hàng tỷ USD vừa được Tập đoàn Perdana ParkCity (Malaysia) công bố đề xuất điều chỉnh quy hoạch mới.
Nếu quy hoạch mới được duyệt, chỉ tính riêng các hạng mục hạ tầng dịch vụ, tiện ích cho khu đô thị ParkCity cũng sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu USD của chủ đầu tư.
Được biết, trước đó dự án này đã được đổi chủ do phía nhà đầu tư trong nước thoái vốn.
Siêu dự án Deawoo Cleve phải xin điều chỉnh giảm độ cao tại hàng loạt lô đất trong dự án. Như vậy, dự án căn hộ lớn nhất tại phía Tây Hà Nội chỉ còn lại phần lớn là thấp tầng.
Hai công trình cao tầng đầu tiên chỉ được xây đến tầng 6 thì doanh nghiệp dừng toàn bộ hoạt động thi công.
Dự án khởi công từ tháng 12/2009. Theo dự kiến ban đầu của Công ty TNHH Hibrand Việt Nam, tòa CT2A và CT2B dự kiến hoàn thành và bàn giao căn hộ cuối tháng 3/2014.
Tổng thể dự án (15 tòa dự án) sẽ hoàn thiện vào năm 2018.
Siêu dự án Tây Hồ Tây cũng đang chậm tiến độ vì thiếu vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Dự án Tây Hồ Tây có quy mô trên 207 ha, được khởi công giai đoạn I vào tháng 1/2014. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai dự án gặp khó khăn do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Nhìn lại các dự án gắn mác “siêu dự án” cho thấy, thị trường BĐS gặp khó khăn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các chủ đầu tư không còn mạnh bạo trong việc phát triển dự án.
Giải pháp hiện nay được đưa ra đối với các dự án đang được triển khai không còn cách nào khác là điều chỉnh quy hoạch, còn các dự án chưa triển khai đang được cơ quan chức năng xem xét thu hồi hoặc chuyển cho nhà đầu tư khác.
Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, thị trường trong thời gian tới vẫn chưa mấy sáng sủa nên các siêu án này sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức.