Góc nhìn mới về thị trường vàng: “Độc tôn” là cần thiết(?)

Đến nay, NHNN đã tổ chức hơn 40 phiên đấu thầu vàng, bán ra thị trường được trên 45 tấn vàng, với giá chào thầu từ trên 37 triệu đồng/lượng.

Rõ ràng, động thái cung vàng của NHNN chưa có dấu hiệu dừng lại, sự chênh lệch giá vàng giữa thị trường trong nước và thế giới chưa được giải quyết. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, tại thời điểm này, vị trí “độc tôn” của NHNN là cần thiết, để giữ cho thị trường vàng ổn định…

Chưa vội giảm giá vàng

Theo một số chuyên gia kinh tế, sau tất toán trạng thái vàng, nhu cầu mua vàng trong dân sẽ giảm sút. Tuy nhiên, diễn biến về thị trường vàng lại đi ngược lại những phán đoán này. Nhu cầu mua vàng trong dân vẫn cao, đơn cử chỉ tính riêng sau thời hạn tất toán vàng, ngày 30-6-2013, NHNN đã tổ chức thêm 7 phiên đấu thầu, bán ra thị trường trên 8 tấn vàng.

Theo quy luật chung, khi trạng thái vàng đã tất toán, tức là chênh lệch cung, cầu dường như được lấp đầy, đáng lẽ giá vàng trong nước phải giảm cùng chiều với giá vàng thế giới. Nhưng tại sao giá vàng trong nước không những không giảm, thậm chí còn đi ngược chiều với giá vàng thế giới? Bao giờ giá vàng sẽ giảm và giảm như thế nào để ổn định được thị trường vàng? Đó là những câu hỏi luôn có nhiều chiều hướng lập luận…

Đại diện NH Eximbank, ông Trương Văn Phước, cho rằng, việc kéo giá vàng giữa thị trường trong nước với thị trường thế giới không khó, NHNN chỉ cần đấu thầu liên tục với giá thấp hơn giá đấu thầu hiện tại, thì giá vàng trong nước sẽ xuống ngay.

Tuy nhiên trong bối cảnh lãi suất VND đang ở mức thấp, việc hạ giá vàng sẽ kéo theo sự gia tăng lực cầu nội địa về vàng, người dân sẽ sẵn sàng rút hết tiền trong NH để mua vàng tích trữ, điều này sẽ dẫn đến mất ổn định thị trường.

Mặt khác, sở dĩ thị trường vàng chưa giảm như mong đợi, bởi suy cho cùng, NHNN đang đứng trên vai trò của DN, theo dõi biến động cung - cầu, khi NHNN biết rằng lượng cầu trong dân còn lớn, thì NHNN sẽ chưa giảm ngay giá vàng.

Để đáp ứng được nhu cầu vàng trong dân, NHNN cũng phải nhập khẩu vàng từ thị trường thế giới. Nếu tính trung bình, mỗi ngày NHNN nhập về vài ba tấn vàng, sẽ phải tiêu tốn một khoản ngoại tệ nhất định, điều này sẽ gây tác động đến nguồn dự trữ ngoại hối. Nếu không “độc quyền” bán ra và bán ra với giá cao, thì chính NHNN sẽ phải lãnh chịu hậu quả cho sự thâm hụt ngoại hối này.

Góc nhìn mới về thị trường vàng: “Độc tôn” là cần thiết(?)
 

“Độc tôn” là phù hợp trong thời điểm này?

Có một góc nhìn rất khác về vai trò của NHNN cung ra thị trường khoảng 45 tấn vàng, TS Trịnh Quang Anh, GĐ Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Tập đoàn đầu tư và phát triển Việt Nam cho rằng cần xem lại thực sự lượng cung này đã đáp ứng đủ cho nhu cầu thật để đóng trạng thái huy động vàng của các TCTD hay chưa? Có hiện tượng đầu cơ, găm giữ, tạo sốt giá hay không, khi vẫn có 22 NH và 16 DN được kinh doanh vàng miếng và không bị quy định thời hạn tất toán trạng thái vàng.

Nhiều TCTD, trước đây, đã kiếm chác được rất nhiều từ việc chuyển đổi 30% nguồn vốn huy động bằng vàng sang VND để cho vay, hưởng chênh lệch lãi suất cao, nay phải chấp nhận mua lại vàng từ NHNN với mức giá cao hơn giá sàn trên thị trường trong nước là hợp lý.

Đồng tình với vị thế “độc tôn” của NHNN, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng: “Đối với NHNN, việc quản lý thị trường vàng chính là quản lý tài khoản vốn. Để ổn định cơ chế thị trường, sau tất toán, nhất thiết phải thiết lập cơ chế riêng, thông qua giao dịch, mua – bán. Thay cho việc để các DN tư nhân đua nhau găm hàng, thổi giá, làm lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của đất nước, sự “độc tôn” của NHNN, trong thời điểm này, là hợp lý”.

Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, để công bằng cho người dân, và thực sự giữ được thị trường ổn định, sau khi thực hiện những giao dịch mua bán, NHNN cũng cần tính đến việc giảm chênh lệch giá giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, nhưng giảm bao nhiêu, như thế nào, để ổn định thị trường là bài toán khó.

“Việc theo đuổi mục tiêu san bằng giá vàng giữa thị trường trong nước và thế giới, sẽ không khả thi, khi điều này đồng nghĩa với việc liên thông thị trường vàng trong nước và quốc tế, làm phương hại tới các mục tiêu ưu tiên là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát mà NHNN đang theo đuổi. Rõ ràng, cần giữ một mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, ở mức đủ lớn, giống như một mức phí nhằm làm nản ý định chuyển dịch tài sản nội tệ sang vàng của người dân, suy cho cùng cũng là việc nên làm”, TS Hiếu bày tỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại