Giới triệu phú nắm gần một nửa tài sản của thế giới

An Huy |

Đến năm 2019, tầng lớp triệu phú được dự báo sẽ kiểm soát khoảng 1/2 tổng tài sản tư nhân trên thế giới.

Theo hãng tin CNBC, kết quả nghiên cứu vừa được đưa ra trong báo cáo tài sản toàn cầu Global Wealth của công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho thấy khoảng cách giàu nghèo trên thế giới sẽ tiếp tục được nới rộng trong những năm sắp tới.

Báo cáo trên cho biết, trong năm 2014, số hộ gia đình triệu phú trên thế giới đã tăng lên mức 17 triệu hộ, từ mức 15 triệu hộ vào năm 2013. Tầng lớp này hiện kiểm soát 41% trong tổng số 164 nghìn tỷ tài sản tư nhân trên toàn cầu.

Các chuyên gia thực hiện bản báo cáo nhận định, đến năm 2019, tỷ trọng tài sản của các hộ triệu phú trong tổng tài sản tư nhân toàn cầu sẽ đạt 46%.

Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm và giá tài sản đi lên được cho là động lực chính phía sau việc khối tài sản của tầng lớp triệu phú ngày càng lớn.

Theo BCG, 73% giá trị tăng thêm trong khối tài sản tư nhân trên thế giới trong năm 2014 xuất phát từ diễn biến giá cả thị trường của các tài sản đã có, thay vì tài sản hay cơ sở kinh doanh mới được tạo ra.

“Những người giàu đang ngày càng giàu hơn”, Giám đốc điều hành BCG, bà Anna Zakzewski, nhận định. “Họ có một phần lớn tài sản được đầu tư vào thị trường chứng khoán và năm 2014 là một năm chứng khoán tăng điểm”.

Theo định nghĩa mà BCG áp dụng, triệu phú là những hộ gia đình có từ 1 triệu USD giá trị các tài sản là tiền mặt hoặc dễ dàng chuyển đổi thành tiền như chứng khoán, tài khoản quỹ lương hưu, các tài sản tài chính khác...

Định nghĩa này không bao gồm tài sản là bất động sản, quyền sở hữu doanh nghiệp, các bộ sưu tập hay hàng tiêu dùng.

Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số hộ gia đình triệu phú. Số hộ dân triệu phú ở Mỹ đã tăng 4,7% trong năm 2014 lên mức 6,9 triệu hộ. 

Trung Quốc là nước đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng về số hộ triệu phú. Tuy vậy, nước này là quốc gia có nhiều hộ triệu phú mới nhất trong năm 2014.

Trong đó, số dân triệu phú của Trung Quốc tăng lên mức 3,6 triệu hộ từ 2,4 triệu hộ vào năm 2014.

Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm hơn một nửa trong số 2 triệu hộ triệu phú mới xuất hiện của thế giới trong năm ngoái.

Xếp thứ ba là Nhật Bản với 1,1 triệu hộ triệu phú, tăng 4,7% so với năm 2013.

Tuy vậy, Thụy Sỹ mới là quốc gia có mật độ hộ gia đình triệu phú cao nhất thế giới. Có tới 13,5% số hộ gia đình ở nước này là hộ triệu phú.

Quốc gia Trung Đông Bahrain xếp thứ nhì ở phương diện này, với 12,3%, tiếp theo là một nước Trung Đông khác, Qatar, với 11,6%.

Bản báo cáo của BCG cũng nhấn mạnh khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người siêu giàu.

Theo báo cáo, các tỷ phú và những người có tài sản hàng trăm triệu USD chứng kiến khối tài sản tăng mạnh hơn so với các triệu phú đơn thuần.

Số hộ gia đình siêu giàu - được định nghĩa là có tài sản từ 100 triệu USD trở lên - được dự báo sẽ tăng 19% trên toàn cầu và 12% tại khu vực Bắc Mỹ trong thời gian từ nay tới năm 2019.

Trong khi đó, số hộ gia đình “ít giàu hơn” - có tài sản từ 1-20 triệu USD - được dự báo sẽ chỉ tăng 6,9% trong khoảng thời gian trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại