Phiên giao dịch ngày thứ tư, giá dầu rớt xuống mức thấp nhất trong 11 năm.
Việc Saudi Arabia và Iran không thể giải quyết được những căng thẳng trong quan hệ được coi như một chỉ báo cho thấy khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được một sự đồng thuận về cắt giảm sản lượng trở nên khó xảy ra, theo CNBC.
Giá dầu Brent trên thị trường London rớt xuống mức 34,26 USD/thùng, mất 5,93% trong phiên và hiện ở mức thấp nhất tính từ đầu tháng 6/2004. Mức giảm trong phiên như trên cao nhất trong gần 5 tuần qua.
Trên thị trường Mỹ, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 5,56% xuống 33,97 USD/thùng, mức thấp nhất từ ngày 19/12/2008.
Số liệu mới công bố ngày hôm qua bởi Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, trong tuần qua, dự trữ xăng của Mỹ tăng 10,1 triệu thùng sau khi đã tăng 900 nghìn thùng trong tuần trước đó.
Dự trữ dầu tại Mỹ giảm 5,1 triệu thùng trong cùng thời gian.
Tính toán của quỹ năng lượng Again Capital cho thấy dự trữ xăng tại Mỹ tuần qua tăng cao nhất trong 22 năm, đồng thời quỹ dự báo giá xăng ở Mỹ sẽ sớm hạ sâu hơn nữa.
Nguồn cung dầu ra thị trường vẫn ở mức cao nhưng nhu cầu được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp khi mà nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước tiêu thụ dầu lớn của thế giới, vẫn quá thấp để tiêu thụ được lượng dầu thừa.
Số liệu mới công bố cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tháng 12 tăng trưởng chậm nhất trong 17 tháng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mới đây đã tiếp tục hạ tỷ giá giao dịch của đồng Nhân dân tệ.
Không ít nhà đầu tư lo ngại rằng trên thực tế nền kinh tế tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới này trên thực tế tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với những con số công bố.
Trong khi đó, những bất ổn chính trị giữa Saudi Arabia và Iran đã khiến giá dầu giảm hơn 8% trong chỉ riêng 3 ngày giao dịch vừa qua.
Giá dầu đã giảm từ mức đỉnh 115 USD/thùng vào tháng 6/2014 khi mà Mỹ bán dầu đá phiến ngập thị trường. Cùng lúc đó, các nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới đua nhau tăng sản lượng để giữ thị phần.