Trao đổi với PV ngày 27-7, ông Lê Thanh Mân, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) cho biết, đơn vị này sẽ có văn bản đăng ký giá với Bộ Tài chính và đề nghị được tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu từ 400 - 500 đồng/lít trong những ngày tới, theo đúng chu kỳ 10 ngày như quy định. Nguyên nhân là đơn vị này vẫn chịu lỗ kể từ đợt tăng giá xăng dầu lần gần nhất, ngày 20-7.
Từ cuối tháng 6, Bộ Tài chính đã cho phép doanh nghiệp được quyền
quyết định giá trong biên độ và tần suất điều chỉnh giá như đã quy định
tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Từ đó đến nay, doanh nghiệp đã có hai lần điều chỉnh giá, một lần tăng và một lần giảm sau khi đăng ký giá với bộ này. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người đặt ra là dường như các doanh nghiệp đang phải nhìn nhau trong mỗi lần tăng giá khi quy mô các đơn vị khác nhau.
Giá bán lẻ xăng dầu vẫn luôn làm người tiêu dùng phải có ý kiến bởi thị trường vẫn còn độc quyền
Theo ông Mân, như vậy là doanh nghiệp nhỏ chịu thiệt vì giá thành luôn cao hơn doanh nghiệp lớn do phải mua hàng và chịu thuế cao hơn. “Chúng tôi mua hàng số lượng ít nên giá không thể tốt bằng người mua số lượng lớn. Premium vì thế cũng cao hơn 1 đô la Mỹ/thùng. Tính ra là phải chịu thuế cao hơn vì thuế “đánh” trên tổng giá trị lô hàng. Giá thành do đó luôn cao hơn”, ông Mân nói.
Tuy nhiên, theo ông Mân, cũng chỉ “theo” được thời gian đầu để “thị trường có thời gian tập dợt”. Và về lâu về dài sẽ tìm cách thu hút khách hàng bằng dịch vụ bán hàng để bù đắp phần chênh lệch về giá.
Để tạo sự công bằng trong đầu vào, đại diện doanh nghiệp đầu mối cho
rằng Bộ Tài chính nên cho áp dụng mức thuế tuyệt đối thay vì tỷ lệ như
hiện nay, tức ấn định một mức cụ thể trên từng thùng xăng dầu nhập khẩu.
Vì như vậy sẽ xóa bỏ được sự chênh lệch về thuế giữa các lô hàng số lượng nhiều, số lượng ít.