Chốt phiên 19/10, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 trên sàn giao dịch hàng hóa New York giảm tới 2,23 USD, tương ứng 2,5%, xuống 86,11 USD/thùng. Trước đó, giá dầu kỳ hạn loại này đã leo lên tới 89,51 USD/thùng. Mức giá thấp nhất trong ngày là 85,93 USD/thùng.
Cùng với mặt hàng dầu thô, xăng và dầu sưởi cũng đồng loạt giảm giá mạnh. Cụ thể, giá xăng loại hợp đồng giao tháng 11 giảm 8 xu, tương ứng 2,7%, xuống đứng ở 2,67 USD/gallon. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn hạ 5 xu, tương ứng 1,5%, xuống còn 2,98 USD/gallon. Một gallon tương đương 3,78 lít.
Mở phiên hôm qua, thị trường năng lượng bùng nổ nhờ báo cáo lượng cung xăng dầu giảm mạnh hơn dự báo của giới phân tích. Cụ thể, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 14/10, lượng dự trữ dầu thô của nước này đã giảm tới 4,7 triệu thùng.
Cũng theo báo cáo này, lượng cung xăng cùng thời điểm trên đã giảm 3,3 triệu thùng, còn các chế phẩm khác từ dầu giảm 4,3 triệu thùng.
Những số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đều đi ngược hoặc vượt xa mức dự báo của giới phân tích. Trong cuộc điều tra của Platts trước đó, giới chuyên môn nhận định, dự trữ dầu thô sẽ tăng 1,75 triệu thùng, dự trữ xăng giảm 1,25 triệu thùng và chế phẩm từ dầu giảm 1,1 triệu thùng.
Ngoài báo cáo về lượng cung, hôm qua, giá xăng, dầu còn nhận được hỗ trợ từ việc đồng USD suy yếu. Chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã giảm xuống mức 77,112 điểm, từ mức 77,146 điểm cuối ngày 18/10.
Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng mất đà tăng và đi xuống khi chứng khoán Mỹ bị o ép bởi báo cáo "Beige Book" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy, trong tháng 8, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng với nhịp độ rất khiêm tốn. Báo cáo này đã khiến giới đầu cơ lo ngại về triển vọng tiêu thụ xăng, dầu thời gian tới.
Giá các mặt hàng năng lượng còn giảm sâu hơn sau thông tin từ châu Âu cho biết các nhà lãnh đạo Đức, Pháp đang bế tắc trong việc mở rộng khả năng cho vay của Quỹ Bình ổn Tài chính (EFSF) nhằm hỗ trợ cho các quốc gia đang khó giải quyết bài toán nợ nần.
Trước đó, cũng chính thông tin về khả năng Đức, Pháp đạt được thỏa thuận trong vấn đề này đã giúp các thị trường hàng hóa bùng nổ trong phiên giao dịch ngày 18/10. Do vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi thị trường quay đầu đổ dốc khi đàm phán mở rộng EFSF lâm vào bế tắc.
Theo VNeconomy