Giá vàng “tìm đáy”, cơ quan quản lý thấy gì?

Vài ngày gần đây, giá vàng thế giới và trong nước liên tục sụt giảm khiến cho nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo lắng.

Đang “tìm đáy” ...?

Ngày 25-11, là thời điểm giá vàng được cho là xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Theo đó, mức giá mua vào - bán ra của vàng SJC lần lượt là 35,13 – 35,25 triệu đồng/lượng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những biến động gần đây của thị trường trong nước là do ảnh hưởng trực tiếp từ giá vàng thế giới.

Tuần trước, thị trường vàng thế giới đã giảm hơn 3,5% do có nhiều lo ngại xung quanh việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm quy mô của chương trình nới lỏng định lượng QE3. Mức giảm này được cho là mạnh nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Hiện giá vàng thế giới đang dao động quanh mức 1.240 USD/ounce.

Đến ngày 26-11, giá vàng trong nước đang có dấu hiệu phục hồi, tăng nhẹ. Tính đến 8g30, vàng SJC có giá mua vào - bán ra lần lượt là 35,25 - 35,42 triệu đồng/lượng, tăng 120.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 170.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Đáng nói, mức phục hồi của thị trường vàng trong nước lại nhanh và mạnh hơn thị trường vàng thế giới. Khác với trước đây, giá vàng trong nước luôn biến động chậm hơn giá vàng thế giới. Đây được cho là dấu hiệu bất thường, “cố tình” đẩy giá vàng lên cao của một số nhà đầu tư.

Theo đánh giá của nhiều người, giá vàng trong tuần này có xu hướng giảm với tốc độ nhanh và sâu. Nhiều khả năng, giá vàng hiện đang có dấu hiệu “tìm đáy”. Dù điều đó có đúng hay không thì vấn đề mà người tiêu dùng (NTD) quan tâm nhất lại không có nhiều thay đổi. Đó chính là khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi còn khá xa nhau, khoảng hơn 3,5 triệu đồng/lượng.

Không những vậy, chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra trong những thời điểm này luôn bị các đơn vị kinh doanh vàng nới rộng ra, cụ thể: Từ mức chỉ chênh 50.000 - 60.000 đồng/lượng, nay đã là 100.000 - 150.000 đồng/lượng. Dường như, các đơn vị kinh doanh đang lo sợ thị trường vàng sẽ có nhiều biến động lớn trong tuần này.

 

Vẫn chờ kết quả ...?

Câu chuyện về thị trường vàng có lẽ vẫn chủ yếu xoay quanh vấn đề về giá, mà ở đây chính là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu tổ chức các phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng. Đến nay, trải qua hơn 70 phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa có nhiều thay đổi, hiện còn ở mức khá cao so với kỳ vọng của nhiều chuyên gia và NTD.

Trong khi đó, thị trường vàng trong nước vẫn luôn biến động theo thị trường vàng thế giới, chứ không như dự đoán của nhiều người trước đây. Đó là khi khoảng cách chênh lệch lớn thì giá vàng trong nước sẽ ít bị ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới. Điều này cho thấy, giá vàng đang đi theo một “con đường riêng”, chẳng giống bất kỳ một quy luật nào, thị trường thì không phải mà “độc quyền” thì cũng nửa vời.

Theo anh Nghĩa, một người kinh doanh vàng, đáng lẽ khi thị trường như một “ốc đảo” thì giá vàng trong “ốc đảo” đó sẽ không bị “lay động” bởi những yếu tố bên ngoài, ở đây là thị trường vàng thế giới. Thế nhưng, những điều chúng ta đã, đang và sẽ nhìn thấy lại hoàn toàn khác, thị trường vẫn thế, chẳng có gì thay đổi so với trước kia. Có mỗi một cái khác duy nhất là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khá cao.

Quả thật, thị trường vàng trong nước đang “bộc lộ” nhiều dấu hiệu bất thường. Nó không tuân theo một quy luật hay dựa trên một nguyên lý kinh tế nào cả. Vì lẽ đó mà dù cho NHNN nhiều lần khẳng định đã thành công trong việc quản lý và điều hành thị trường vàng miếng trong nước nhưng phần lớn các chuyên gia và NTD lại chưa thực sự thừa nhận điều đó.

Trao đổi với PV, ông Phạm Tuấn Anh, nguyên PGĐ chi nhánh Hà Nội Cty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận, nhận định, thị trường vàng đang đứng giữa 2 mô hình, đó là độc quyền và nền kinh tế thị trường. Hiện, thị trường vàng trong nước đang bị “cô lập” với thế giới khiến cho giá không thực sự do quan hệ cung – cầu quyết định mà do người nắm giữ nhiều vàng quyết định, ở đây là các đơn vị được phép kinh doanh vàng. Nó đang nghiêng sang mô hình “nhóm độc quyền”.

Đáng nói, dù thị trường vàng đang ở mô hình này nhưng lại vẫn bị chi phối khá lớn từ thị trường vàng thế giới. Bằng chứng là giá vàng trong nước liên tục tăng giảm theo giá vàng thế giới. Điều đó chưa thể hiện sự ổn định trong cơ chế “độc quyền” mà NHNN đã thiết lập. “Thực ra, ngay cả trong cơ chế “nhóm độc quyền”, các đơn vị kinh doanh vàng vẫn mong muốn duy trì lợi nhuận “dày” cho bản thân chứ không vì mục tiêu chung là bình ổn giá vàng”, ông Tuấn Anh phân tích thêm.

Có thể thấy, “đáy” của giá vàng dù có là bao nhiêu đi nữa thì đối với NTD cũng không quá quan trọng. Họ chỉ mong vào sự ổn định của thị trường, dù là theo nền kinh tế thị trường hay cơ chế độc quyền. Nên chăng, các nhà quản lý nên thể hiện rõ nét hơn vai trò của mình trong việc quản lý và điều hành thị trường vàng. Hướng thị trường theo một mô hình cụ thể, tránh việc cứ “ngả nghiêng” bên này, bên kia khiến NTD chịu nhiều thiệt thòi. Và quan trọng hơn là các chính sách của NHNN sẽ khó thành công.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại