Vàng hiện nay chỉ được coi như công cụ đầu tư bình thường chứ không còn giữ vai trò tài sản an toàn, tài sản trú ẩn như trước. Có thể chỉ ra 4 nguyên nhân khiến giá vàng thế giới lao dốc mạnh trong chiều 20/6:
Thứ nhất, sau 2 ngày họp chính sách, hôm qua Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ giữ nguyên chương trình nới lỏng tiền tệ thông qua việc mua 85 tỷ USD trái phiếu chính phủ hàng tháng mặc dù rủi ro với nền kinh tế và thị trường lao động đã giảm. Tuy nhiên, chủ tịch Fed Ben Bernanke cho biết, Fed có thể giảm quy mô chương trình này trong năm nay và ngừng hoàn toàn vào năm 2014.
Mỹ là nước có nền kinh tế và dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Lo ngại thiếu hụt cung tiền dẫn tới tâm lý bi quan về tăng trưởng kinh tế, giảm giá các sản phẩm đầu tư tài chính.
Thứ hai, ngân hàng HSBC vừa công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất Trung Quốc giảm từ 49,2 xuống 48,3 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất trong 9 tháng qua. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai trên thế giới, bất cứ động thái chững lại nào của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ gây tác động không nhỏ tới thị trường.
Thứ ba, chính phủ Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu vàng từ 6% lên 8% hồi đầu tháng này làm hạn chế một lượng lớn vàng nhập khẩu. Dự báo nhập khẩu vàng tháng 6 của Ấn Độ giảm 75% so với tháng 5. Tuy nhiên, đồng rupee mất giá liên tục.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức bộ Tài chính Ấn Độ cho biết, nước này thậm chí có thể sẽ cấm nhập khẩu vàng hoặc tăng thuế nhập khẩu vàng cao hơn nữa để bảo vệ nền kinh tế và đồng tiền quốc gia.
Thứ tư, các quỹ ETF đang ồ ạt bán tháo vàng. Theo Bloomberg, lượng vàng nắm giữ trong các quỹ đầu tư ETF đứng ở mức 2.111,2 tấn, thấp nhất 3 năm qua. Riêng quỹ tín thác vàng lớn nhất SPDR Gold Trust đã bán ra 351,3 tấn vàng từ đầu năm đến nay, hiện lượng vàng nắm giữ là 999,6 tấn vàng, thấp nhất kể từ tháng 2/2009.