Kết thúc phiên giao dịch ngày 18-1, VN-Index mất gần 17 điểm (3,07%) còn 526,37 điểm, trong khi HNX-Index giảm 2,13 điểm (2,82%) xuống 73,26 điểm.
Theo các chuyên gia, chứng khoán VN bị tác động tiêu cực bởi hàng loạt yếu tố như chứng khoán thế giới lao dốc, giá dầu giảm mạnh và áp lực giải chấp của nhà đầu tư...
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán SJC, diễn biến trên thị trường chứng khoán đang phản ánh ngược hoàn toàn tình hình kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lẫn bức tranh kinh tế vĩ mô VN, mà chỉ hành xử theo tâm lý đám đông.
“Các nhà đầu tư không nhìn vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, thay vào đó là nhìn vào tình hình chứng khoán thế giới, giá dầu...” - ông Anh Tuấn nói.
Trong khi đó, theo ông Tuấn, những số liệu kinh tế vĩ mô của VN trong năm 2015 cũng như đánh giá triển vọng kinh tế VN năm 2016 của các tổ chức quốc tế đều rất khả quan, sáng sủa.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 của VN được dự báo sẽ tăng cao nhất trong khu vực, chưa kể báo cáo kinh doanh của hơn 80% doanh nghiệp trên sàn khả quan, tốt hơn so với năm ngoái, nhưng nhà đầu tư lại không đặt niềm tin vào bức tranh này.
Giá dầu thế giới đã lùi về dưới 28 USD/thùng khi các lệnh trừng phạt quốc tế lên Iran được dỡ bỏ, tăng nguy cơ thừa cung trên toàn cầu.
Cho dù phiên giao dịch ngày 18-1, giá dầu Brent giao tháng 2 có phục hồi nhẹ về trên mức 28 USD/thùng nhưng mức giá này vẫn giảm hơn 2% so với giá đóng cửa hôm thứ sáu.
Theo CNBC, hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong phiên giao dịch ngày đầu tuần do làn sóng bán tháo cuối tuần qua trên Phố Wall và giá dầu về mức thấp nhất kể từ năm 2003.
Trong đó, hai thị trường quan trọng là Úc và Nhật Bản cũng “nối gót” thị trường Trung Quốc khi giảm gần 19%, mức cao nhất trong 52 tuần gần đây.
Sau khi giảm điểm trong tuần trước, chỉ số chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc là Shanghai Composite đã hồi phục nhẹ với mức tăng gần 0,5%.