“Ghế nóng” ở Vinalines

thanhthao |

Từ hôm nay (1/10), vị trí Cục trưởng Hàng hải VN trước đây của ông Dương Chí Dũng đã có người thay thế.

Tân cục trưởng Nguyễn Nhật, nguyên là Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi nhanh quanh “chiếc ghế nóng” này. Vinashin và Vinalines là hai cái tên quyết định sự thành, bại của tân Cục trưởng Nguyễn Nhật.

ghe-nong-o-vinalines

Thời gian qua, vụ việc liên quan tới ông Dương Chí Dũng đã ảnh hướng xấu tới ngành hàng hải, ông sẽ làm gì để khôi phục uy tín?

Thứ nhất, một mình tôi không thể làm được việc này. Thứ hai, ông Dương Chí Dũng sang Cục Hàng hải mới chỉ có 3 tháng thôi. Trên thực tế, ông Dũng cũng chưa điều hành gì, chủ yếu những gì liên quan là ở Vinalines.

Vậy ưu tiên số 1 khi ông tiếp nhận vị trí Cục trưởng Hàng hải là gì?

Tôi sẽ rà soát lại toàn bộ vấn đề của Cục, những gì là ưu điểm, tồn tại yếu kém về quản lý, con người; công tác quy hoạch phát triển các dự án (Cục đang làm chủ đầu tư)...

Theo ông, khó khăn lớn nhất của ngành hàng hải Việt Nam hiện nay là gì?

Nói chung, giai đoạn này doanh nghiệp nào cũng khó khăn do tình hình trong nước và thế giới. Hơn nữa, trong ngành hàng hải, hoạt động của Vinashin và Vinalines không được tốt lắm đã có ảnh hưởng không nhỏ.

Đang làm phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, sao đột nhiên ông lại về ngành hàng hải?

Trước đây, tôi cũng đã công tác trong ngành hàng hải, đã từng đi tàu biển và tham gia nhiều chuyến hải trình, làm giám đốc công ty vận tải biển của tỉnh, giám đốc cảng...Chưa kể, tôi đã tham gia một khóa Quốc hội nên nắm được khá nhiều việc trong lĩnh vực này. Hồi làm Tổng Giám đốc Cty Khoáng sản Hà Tĩnh, tôi cũng tham gia quản lý Cảng Vũng Áng.

ghe-nong-o-vinalines

Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật.

Trước khi nhậm chức, ông đã có tiếp xúc với Vinalines, Vinashin chưa?

Những đơn vị này tôi cũng có nhiều bạn bè, có thời gian tiếp xúc, cũng như các buổi làm việc liên tục trong bao nhiêu năm nay. Do đó, tôi cũng có hiểu biết nhất định.

Đồng nghiệp, bạn bè, người thân có chia sẻ gì khi ông ngồi vào chiếc ghế nóng này?

Nói chung, ai cũng thấy đó là vị trí khó khăn. Ai cũng ngại ngùng và nói tại sao chỗ đó khó khăn như thế vào làm gì. Tuy nhiên, đó dường như là nghề, là nghiệp của mình mất rồi. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, mình phải cố gắng hết sức thôi.

Có thể thấy rằng, vai trò quản lý nhà nước của Cục Hàng hải VN thời gian qua khá mờ nhạt, thưa ông?

Cái này tôi sẽ rà soát lại, trước mắt chưa thể khẳng định ngay được. Có lẽ cũng chưa có sự kết hợp tốt nên mới dẫn tới hoạt động chưa tốt và những chuyện này, chuyện kia như vừa qua.

Dự kiến trong tương lai sẽ hình thành Tổng Cục hàng hải VN, quyền hạn và chức năng sẽ rộng hơn hiện nay, thưa ông?

Lúc đó vai trò, trách nhiệm sẽ lớn hơn. Về mặt quản lý nhà nước, Cục sẽ cùng Vinashin và Vinalines tìm các biện pháp khắc phục những yếu kém hiện có.

Bên cạnh đó kiện toàn các chủ trương chính sách của nhà nước để trước mắt ngành hàng hải muốn mạnh thì những doanh nghiệp lớn như Vinalines và Vinashin phải hoạt động tốt cái đã.

Nếu 2 anh này không làm tốt thì chẳng làm được gì cả. Ngành hàng hải có mấy lĩnh vực chính: Vận tải biển, khai thác cảng (do Vinalines phụ trách), đóng tàu, các dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực...

Để làm tốt ngành này, như đã nói là phải đẩy mạnh Vinalines và Vinashin, tức đẩy mạnh công nghiệp đóng tàu và khai thác cảng. Làm thế nào để trong 6 quy hoạch cảng biển do Thủ tướng phê duyệt phải xử lý tốt. Trong lúc kinh tế khó khăn như bây giờ không thể đầu tư dàn trải cảng biển. Đây là việc chính mà Cục Hàng hải VN phải theo dõi và tham mưu cho Bộ GTVT.

Cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại