Hai con trai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Đảng cộng hòa Mitt Romney nhảy theo vũ đạo của PSY để lấy lòng các cử tri Mỹ gốc Hàn. Thậm chí cả Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng ca ngợi đây là nhân tố thúc đẩy hòa bình thế giới.
Hiện tượng trên đã được chính phủ Hàn Quốc đặc biệt hoan nghênh. Kể từ khi nhậm chức năm 2008, tổng thống Lee Myung-bak đã nhấn mạnh tầm quan trọng của "quyền lực mềm" trong việc nâng cao vị thế kinh tế nước này. Ông thậm chí còn thành lập một hội đồng để "tạo dựng thương hiệu quốc gia", tăng cường cứu trợ quốc tế và tổ chức nhiều sự kiện tầm cỡ, như Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2010.
Theo ông Ma Young-sam, Đại sứ phụ trách các vấn đề về ngoại giao của Hàn Quốc, âm nhạc không nằm trong kế hoạch thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, nó "rất có ích và rất quan trọng". Ông nói: "Khi người nước ngoài chú ý đến ca sĩ, họ sẽ dần yêu thích Hàn Quốc và mua nhiều đồ của chúng tôi hơn. Đây là cách chúng tôi đang theo đuổi".
Các nhà sản xuất lớn ở nước này cũng đang tích cực gây dựng thương hiệu quốc gia. Từng được biết đến với các sản phẩm bình thường như thép hay tàu chở hàng, các công ty Hàn Quốc hiện tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực cần gây dựng hình ảnh.
Samsung Electronics đang cạnh tranh tay đôi với Apple trong cuộc chiến giành thị trường smartphone cao cấp. Theo các nhà phân tích, trong 3 tháng qua, họ đã bán được khoảng 20 triệu chiếc Galaxy SIII. Hyundai cũng đang dần hoàn thành kế hoạch nâng cấp chuỗi giá trị để cạnh tranh với Audi hay BWM.
Đối với một số công ty, lợi ích từ ngành công nghiệp giải trí thậm chí còn rõ ràng hơn. Nhà sản xuất mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc - Amore Pacific - luôn duy trì được mức tăng trưởng hai chữ số tại Trung Quốc suốt nhiều năm qua.
Ông Jang Te-you, giám đốc sản xuất một số chương trình TV nổi tiếng tại Hàn Quốc cho rằng đó là do họ biết cách kết hợp giá trị gia đình truyền thống với thời trang tinh tế và lối sống hiện đại. Vì vậy, họ có thể dễ dàng thâm nhập cả các thị trường mới mẻ như Nga hay Nam Mỹ.