Muốn gà xịn phải về Đông Tảo
Ông Nguyễn Trọng Tích, ở xóm Đông Lễ, thôn Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo được biết đến không chỉ là con của “Vua gà”- cụ Nguyễn Trọng Dốc nổi tiếng khắp vùng Khoái Châu.
Ông Tích còn tự hào, bởi ông là hộ gia đình duy nhất trong 35 đơn vị nghiên cứu được Viện Chăn nuôi Quốc gia đặt hàng nuôi giữ gene sống giống gà Đông Tảo thuần chủng. Ông là đời thứ ba trong gia đình nuôi, bảo tồn giống gà quý hiếm trên.
Vì có thương hiệu, nên hễ có khách hỏi mua gà Đông Tảo, dân chỉ đến nhà ông Tích. Dẫn tôi xem mấy “cục vàng” của mình, ông Tích chia sẻ: “Tôi mê loại gà Đông Tảo từ nhỏ, có lẽ là ngấm từ bố tôi, cũng như ông nội tôi hồi xưa. Giống gà này hợp với loại đất cát pha vùng bãi sông Hồng, nhất là ở khu vực xã Đông Tảo.
Bây giờ, gà Đông Tảo có khắp nơi, tận các tỉnh miền Nam, nhưng nói thật chỉ có gà nuôi ở Đông Tảo mới có vị riêng của nó. Cùng một giống, nhưng gà nuôi cách Đông Tảo cây số đường chim bay thôi, vị nó đã khác rồi”.
Nhìn đàn gà nhà ông Tích rõ thấy lạ, con nào con nấy núc ních, không nhanh nhẹn như giống gà ri, chân to như cổ tay người lớn, đỏ lừ. “Gà Đông Tảo chỉ ăn ngô, lúa, rau, nuôi thả sau 8 tháng trở lên, đạt 4-5 kg/cân ăn mới ngon.
Nó có đặc điểm là thân to, con trống nhìn oai vệ, đặc biệt là chân rất to, không có cựa, không có vảy cứng, da dầy, sần màu đỏ, nhưng khi luộc da chuyển sang màu vàng.
Gà Đông Tảo ăn giòn, không dai, miếng thịt đậm”- ông Tích nói. Theo những người dân địa phương, gà Đông Tảo chế được nhiều món, nhưng phổ biến là luộc chấm muối chanh, xào lăn, hầm thuốc bắc hoặc ăn lẩu…
Hiện, gia đình ông Tích có 150 con gà Đông Tảo giống để giữ gene cho nhà nước, còn lại ông cấp giống, hướng dẫn cho người thân nuôi, sau đó ông mua lại theo giá thỏa thuận. Con đẹp, ông sẽ tuyển làm giống, còn lại sẽ bán gà thịt, với số lượng khoảng 500-1.000 con mỗi năm.
Ông Tích chia sẻ, tháng 8-2012, Hoàng tử Nhật Bản Akishino trong chuyến thăm làm việc tại Hưng Yên đã ghé qua nhà ông xem, tìm hiểu về nuôi giống gà quý hiếm trên.
“Hoàng tử cũng muốn các chuyên gia Nhật nhập giống này về để nghiên cứu. Còn gia đình tôi, từng là địa chỉ của nhiều nhà nghiên cứu của Úc, Nhật, Pháp tìm đến”- ông Tích nói.
Tiền triệu cũng khó mua
Giới nuôi gà ở Đông Tảo thường chia gà mà các hộ dân địa phương đang nuôi làm hai loại, Đông Tảo thuần chủng và loại gà Đông Tảo lai với giống gà khác. Với gà trưởng thành, loại thuần chủng, nhìn ngoại hình để bán, với giá cao, còn gà thịt bán theo cân.
Một con gà trống Đông Tảo thuần, 8 tháng trở lên, dáng đẹp có giá 5-7 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng; còn thông thường cũng phải 1,2-15 triệu đồng/con.
Tuy nhiên, thời điểm cận Tết, về Đông Tảo hỏi mua gà đẹp biếu không dễ, số lượng có hạn, chủ yếu khách đã đặt nhiều tháng trước. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, ở thôn Đông Kim (xã Đông Tảo) cho biết, gia đình anh nuôi 50 con mái, 70 con trống.
“Mới ngày trước, tôi vừa bán cho khách đặt mua làm quà biếu ba con, loại đẹp hơn 2 triệu đồng/con. Có nhiều khách ở Hà Nội xuống hỏi mua, nhưng giờ tìm gà đẹp biếu cũng khó, nếu có thì giá rất cao”- anh Thắng nói.
Còn nhà ông Tích, từ gần tháng trước đã “cháy hàng”. Ông cho biết, chỉ trong một tháng lại đây, ông bán trên 300 con, chủ yếu là khách quen, mỗi con đều 4 kg/con trở lên, giá mềm cũng từ 1-1,5 triệu đồng/con.
Hiện, loại gà thịt bán để biếu gần như không còn. Chỉ còn một đôi, có ông bạn thân đã đặt. Cũng vì mê và lưu giữ giống nên, có con gà trống thuần, một ông khách ở Bát Tràng sang trả tới 23 triệu ông cũng không bán.
Anh Lê Quang Thắng, xóm Đoàn Kết, thôn Đông Tảo Nam, xã Đông Tảo, một chủ trại nuôi nhiều gà đồng thời là một lái gà Đông Tảo lớn nhất vùng vào miền Nam, cho biết chỉ tháng trước, giá gà Đông Tảo thịt chỉ tầm khoảng 250 nghìn đồng/kg, nhưng hiện nay đã lên tới 400 nghìn đồng/kg (chỉ là giá gà Đông Tảo F2), nếu gà nặng 4-5 kg/con, cũng phải tới 1,6-2 triệu đồng/con.
Theo anh Thắng, anh chủ yếu chỉ bán buôn, mỗi tháng xuất khoảng 3 chuyến ô tô gà Đông Tảo (gà thịt và gà choai); còn loại gà giống từ 1 ngày đến 5 tuần tuổi anh cho đóng kiện, vận chuyển bằng máy bay vào Nam. Khánh hàng của anh là nhiều nhà hàng nổi tiếng ở TPHCM và các chủ trại ở Đồng Nai, Bình Phước.
“Nói thật, người ăn loại gà này chỉ có người giàu, hoặc mua làm quà biếu các sếp, chứ người dân bảo thịt con gà tiền triệu thì ít lắm, trừ những dịp đặc biệt”- anh Quang Thắng chia sẻ.
Ông Lê Hồng Cường, ở thôn Đông Tảo Nam, một trong số hộ nuôi lớn nhất nhì về giống gà xã Đông Tảo cho biết, gia đình ông chuyên bán giống, nhưng gần như ngày nào cũng có người hỏi mua gà thịt.
“Gà Đông Tảo có thể gọi là hàng biếu độc trong dịp Tết. Chai rượu Tây, cây cảnh, thậm chí là tiền, sếp có nhiều rồi. Xách con gà Đông Tảo đến, vợ sếp lại thích, vì cả nhà đều được ăn”- ông Cường nói. Theo ông Cường, có người mua về nhốt đầu cổng, dân làng đi qua, thấy lạ, thành nơi bán nước chè, tán chuyện.
Lo mất thương hiệu
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch xã Đông Tảo cho hay, hầu hết các hộ gia đình trong xã đều nuôi gà Đông Tảo, với số lượng khoảng hơn 1 vạn con, nhưng nếu gà thuần chủng chỉ khoảng hơn 100 hộ nuôi.
Với giá gà trung bình khoảng 300 nghìn đồng/kg, gà giống một ngày tuổi khoảng 100 nghìn đồng/con, có thể nói đây là giống nuôi có giá trị kinh tế cao.
Mấy năm gần đây, do nhu cầu gà Đông Tảo lớn, nhất là dịp Tết đến, ở các thành phố lớn, nhiều nơi đã mua giống ở Đông Tảo về để phối giống với các loại gà khác.
Tuy nhiên, theo ông Chiến, đến nay địa phương cũng chỉ dừng ở mức tuyên truyền cho người dân nuôi giữ giống và phòng tránh dịch bệnh, vì đây là gà có sức đề kháng kém, không chịu được lạnh. Xã cũng đề xuất với huyện và Sở NN&PTNT Hưng Yên, chính sách hỗ trợ 30 nghìn đồng/con gà giống, để người dân lưu giữ và phát triển giống gà này.
Tuy nhiên, để lưu giữ bài bản giống gốc, và có thể cung cấp số lượng lớn dạng hàng hóa, ông Chiến cho rằng, cần phải có bàn tay doanh nghiệp vào để gây dựng mô hình trang trại, còn hiện nay người dân đang nuôi tự phát. Xã sẵn sàng tạo điều kiện về đất đai và các điều kiện khác để doanh nghiệp đầu tư phát triển loại gà Đông Tảo.
Hiện nhiều cơ sở phía Nam đã nuôi thành những trang trại lớn gà Đông Tảo. Qua cách làm để bảo vệ “gà đồi Yên Thế” vừa rồi của Bắc Giang, gà Đông Tảo, cần có cách làm để bảo vệ thương hiệu và duy trì gene của giống gà quý hiếm này.