Foxconn và những chiếc iPhone “nhuốm máu”

Lê Nga |

Foxconn không chỉ là công ty Đài Loan vừa thâu tóm "gã khổng lồ" Sharp của Nhật Bản mà còn là người tạo nên dòng chữ “Assembled in China” đằng sau mỗi chiếc iPhone. Nhưng bạn có biết những chiếc iPhone mình cầm trên tay không chỉ nhuốm mồ hôi mà cả máu của nhiều người.

Người vừa chốt thương vụ mua lại Sharp của Nhật với giá 3,5 tỷ USD chính là "gã khổng lồ" Đài Loan Foxconn.

Trước khi nổi tiếng với thương vụ mua lại Sharp, công ty này được biết đến với tư cách là nhà cung ứng lớn nhất của Apple.

Nếu bạn lật mặt sau của một chiếc iPhone, bạn sẽ thấy dòng chữ "Designed by Apple in California. Assembled in China" (Thiết kế bởi Apple tại California. Lắp ráp tại Trung Quốc).

Foxconn là ai?

Nhà máy Foxconn ở Trung Quốc (Nguồn: Recode)
Nhà máy Foxconn ở Trung Quốc (Nguồn: Recode)

Công ty chịu trách nhiệm lắp ráp hầu hết các sản phẩm iPhone và những sản phẩm bán chạy nhất của Apple như iPad, iPod chính là Foxcon, một nhà sản xuất thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Đài Loan Hon Hai Precision, ban đầu có cái tên Hon Hai Precision Industry Co., Ltd.

Đây là một công ty Đài Loan do ông Kuo Tai-ming hay còn được biết đến với cái tên Terry Guo sáng lập.

Nhà sáng lập Tery Guo đã xây dựng nên công ty với số vốn ban đầu chỉ 7.800 USD vào năm 1974. Đây là số tiền mà ông Tery Guo đã vay của mẹ mình.

Công ty thời kỳ đầu chỉ sản xuất những chiếc núm điều khiển nhựa cho TV đen trắng.

Khi trở nên lớn mạnh hơn, nó được biết đến với cái tên Foxconn và sau đó đến năm 1991, Foxconn trở thành một công ty được niêm yết công khai với trị giá 37 tỷ USD.

Hon Hai Precision Industry Co., Ltd hiện vẫn tồn tại và hoạt động như một “công ty xương sống” của Foxconn.

Hiện Foxconn là nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất trên thế giới.

Công ty có nhà máy và trung tâm nghiên cứu phát triển trên khắp thế giới bao gồm Nhật, Mỹ, Cộng hòa Séc, Anh và Trung Quốc, đồng thời vẫn giữ nguyên trụ sở tại Đài Loan.

Trước khi trở thành nhà cung ứng chính cho nhiều công ty công nghệ, Foxconn đã trải qua thời gian phát triển trong âm thầm.

Công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho các thiết bị điện tử tiêu dùng như tấm màn hình phẳng, máy chơi game console, linh kiện điện thoại và thậm chí là cả bo mạch chủ.

Yếu tố chính tạo nên thành công của Foxconn chính là kỹ thuật thiết kế độc quyền và các dịch vụ chế tạo cơ khí cho khách hàng.

Đổi lại, Foxconn chỉ là một công ty được cấp quyền sản xuất sản phẩm, còn những thiết kế mang tính đổi mới sẽ được tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng.

Các khách hàng của Foxconn bao gồm Cisco, Dell, Nokia, Sony và thậm chỉ cả Xbox của Microsoft.

Nhưng Foxconn nổi tiếng nhất chính là nhờ mối quan hệ khăng khít với Apple và là công ty đứng đằng sau thành công của các sản phẩm như iPhone, iPad và iPod.

“Người hùng” thầm lặng phía sau Apple còn tự gọi mình là một con “rồng ẩn mình”.

Theo số liệu do Foxconn cung cấp thì hãng này sở hữu hơn 25.000 bằng sáng chế và là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc.

Năm 2012, một nhà máy sản xuất iPod ở Thâm Quyến của công ty đã có tới 30.000 nhân công.

Người sáng lập của Foxconn cũng chính là người đàn ông giàu nhất Đài Loan.

Trong một bài phỏng vấn hiếm hoi của mình, ông Guo cho biết khi lần đầu tiên sang Mỹ, ông đã thuê hẳn một chiếc Limousine để đi thăm các văn phòng của những công ty như IBM, nhưng đến tối ông lại phải ngủ ở ghế sau của chiếc xe để tiết kiệm chi phí.

Theo trang Bloomberg Businessweek, văn phòng của ông Guo chứa đầy sách và trong đó còn trưng bày một câu nói nổi tiếng của ông: “Những người nghèo đói có tâm trí cực kỳ tường minh”.

Sự phát triển "nhuốm máu" công nhân

Khu nhà ký túc của công nhân được rào bao quanh để tránh tự tử (Nguồn: Recode)
Khu nhà ký túc của công nhân được rào bao quanh để tránh tự tử (Nguồn: Recode)

Thế nhưng, sự phát triển của Foxconn cũng “nhuốn máu” của nhiều người.

Cái tên Foxconn được báo chí chú ý đến hơn khi có tới 13 công nhân Trung Quốc tự tử tại một nhà máy của Foxconn năm 2010 (theo số liệu của BBC).

Sự việc này đã phơi bày thực tế về tình trạng làm việc ở Trung Quốc và là khởi nguồn của nhiều cuộc đình công lao động.

Song những vụ tự tử năm 2010 không phải là những trường hợp đầu tiên.

Việc nhân viên tự tử là vấn nạn Foxconn không thể chối cãi.

Năm 2007, anh Hou 19 tuổi đã treo cổ ngay trong phòng tắm của công ty.

Đến tháng 6/2009, anh Sun Dan-yong, 25 tuổi, nhảy từ tầng lầu của khu ký túc sau khi đánh mất nguyên mẫu iPhone do mình sở hữu.

Trước lúc chết, anh nói rằng mình đã bị đánh đập và phòng trọ của anh bị lục soát bởi các nhân viên của Foxconn.

Liên tục trong năm 2010, từ tháng 1 cho đến tháng 11, đặc biệt là vào tháng 5, có tổng cộng 14 nhân viên Foxconn đã tự tử bằng cách nhảy xuống từ các tầng nhà.

Chỉ có hai người sống sót và một người trong đó liệt nửa người. Năm 2011 có 4 người, năm 2012 có 1 người và năm 2013 có 2 người (theo Wikipedia).

Gần đây nhất, mùa thu năm 2014, một nhân viên dây chuyền lắp ráp 24 tuổi, anh Xu Lizhi đã tự tử bằng cách nhảy xuống từ tầng cao khu ký túc xá.

Trước khi chết, anh còn để lại bài thơ chỉ trích cuộc sống đơn điệu và chế độ làm việc khắc nghiệt tại Foxconn.

Cũng trong năm 2010, Foxconn buộc phải đóng cửa tạm thời nhà máy tại Ấn Độ khi 250 công nhân bị ốm. Tháng 5/2011, hai công nhân đã bị thiệt mạng trong vụ nổ tại nhà máy Foxconn ở Thành Đô.

Foxconn cho biết tình trạng làm việc không phải là nguyên nhân dẫn tới cái chết của hai người này và chối bỏ nguyên do tự tử.

Năm 2012, các công nhân của Foxconn vẫn phàn nàn rằng họ chỉ được nghỉ một lần duy nhất khi hết ca, ngoài ra không có thỏa thuận chung nào về việc nghỉ giữa ca.

Mỗi ca công nhân phải làm việc 11 tiếng liên tục từ 8 giờ tối và 7 ngày một tuần.

Những công nhân này cũng than phiền họ phải làm việc thêm 80 giờ mỗi tháng trong khi quy định của chính phủ Trung Quốc là không được phép để công nhân làm thêm quá 36 giờ mỗi tháng.

Phía Foxconn tuyên bố họ đã nghiêm khắc áp dụng quy định công nhân chỉ được làm tối đa 49 tiếng kể cả thêm giờ.

Ít lâu sau, công ty này “dẹp yên” giới truyền thông bằng cách tăng lương, giảm giờ làm và thuê thêm các chuyên gia cố vấn làm việc ngay trong khu nhà xưởng.

Công ty còn trang bị thêm lưới bảo vệ xung quanh khu vực sinh sống tại khu nhà máy ở Thâm Quyến để tránh nhân viên nhảy lầu tự sát.

Đến Apple cũng từng gửi các thanh tra độc lập đến từ Liên đoàn Lao động Mỹ tới các khu phân xưởng này và phát hiện ra những vấn đề nghiêm trọng về thực tế điều kiện làm việc ở đây.

Mặc dù nhận được vô số lời chỉ trích nhưng Foxconn vẫn được các nhóm bảo vệ quyền lợi lao động Trung Quốc coi là một công ty đối xử với nhân viên còn tốt hơn nhiều công ty khác bởi công ty này trả lương cho nhân viên đúng hẹn và trả cả tiền làm thêm giờ.

Bởi đây là công ty làm việc trực tiếp với nhiều ông lớn như Apple nên Foxconn bị “soi” nhiều hơn so với các công ty gia công linh kiện khác.

Để xử lý vấn đề tăng lương cho công nhân, Foxconn di chuyển khu vực sản xuất tới Trung Quốc đại lục, cụ thể là tới những vùng ven biển, còn được biết đến với cái tên Đồng bằng Châu Giang.

Tháng 4/2015, phóng viên trang Recode đã ngỏ lời muốn được tham quan khu nhà xưởng của Foxconn tại khu vực này và được công ty đồng ý.

Điểm gây chú ý nhất đối với phóng viên chính là những tấm lưới giăng kín xung quanh để tránh nhân viên tự tử.

Phát ngôn viên của Foxconn, ông Louis Woo cho hay, sau sự kiện 12 công nhân chết vì tự tử năm 2010, công ty đã phải mời nhiều chuyên gia tới làm việc để xử lý vấn đề.

Ông Woo nói: “Tự tử là một vấn đề rất phức tạp, bạn khắc phục được một vấn đề thì không có nghĩa là chuyện tự tử sẽ không xảy ra nữa.

Và dù bạn có làm gì đi chăng nữa bạn cũng luôn phải đối mặt với những xác suất đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không làm gì cả”.

Ông Woo cho biết nếu công ty có thể dập tắt cảm xúc đó, thậm chí là chỉ 30 giây thì cũng có ý nghĩa lớn, ví dụ như một người phải mất tới 30 giây để loay hoay mở cửa sổ thì họ cũng có thể sẽ thay đổi ý định.

Với những công nhân gặp vấn đề về mặt tâm lý, Foxconn sẽ cung cấp những hỗ trợ về mặt tâm lý thông qua các cố vấn viên trực 24/7 để người lao động có thể báo cáo về tình trạng lạm dụng lao động cũng như xin tư vấn.

Theo ông Woo, mỗi ngày đường dây nóng nhận được 1.000 cuộc điện thoại nhưng trong chuyến thăm của trang Recode, Trung tâm Công đoàn và Chăm sóc chỉ có 7 nhân viên túc trực.

Trung tâm Công đoàn và Chăm sóc tại Foxconn chỉ có 7 người trực khi phóng viên đến thăm (Nguồn: Recode)
Trung tâm Công đoàn và Chăm sóc tại Foxconn chỉ có 7 người trực khi phóng viên đến thăm (Nguồn: Recode)

Trong chuyến viếng thăm nhà máy Foxconn của trang Recode, nhóm phóng viên cũng được quan sát tận mắt nhưng khu bể bơi, khu vui chơi điện tử, tiệm bánh, quán cà-phê Internet và cửa hàng.

Thậm chí phía sau những quán cà phê Internet còn có một khu vực khá kín đáo và riêng tư là nơi để các nhân viên có thể xem phim khiêu dâm.

Foxconn cũng chủ động mở thêm các nhà máy tại Trịnh Châu, Thành Đô, miền trung Trung Quốc và ở Quý Dương để các công nhân làm việc cho Foxconn không phải ở quá xa gia đình.

Quán cà phê Internet tại Foxconn (Nguồn: Recode)
Quán cà phê Internet tại Foxconn (Nguồn: Recode)

Dưới sự quan sát sâu sắc của truyền thông quốc tế và người tiêu dùng, Foxconn đã tăng mức lương cơ bản của công nhân lên từ 153 USD/tháng thành 306 USD/tháng với 40 giờ làm việc một tuần.

Mức lương này sẽ được tăng lên 402 USD/tháng nếu kết thúc 3 tháng thử việc. thời gian làm việc tăng ca của công nhân cũng không được quá 60% một tháng.

Sau nhiều chỉ trích và nỗ lực, Foxconn đã giảm bớt được những tai tiếng về điều kiện làm việc của mình.

Thế nhưng, Pentagon, một nhà cung ứng khác của Apple, lại nhận được rất nhiều chỉ trích khi hình ảnh công nhân ngủ gật hàng loạt trên dây chuyền sản xuất bị lộ ra ngoài.

Có thể nói, mỗi chiếc iPhone bạn cầm trên tay không chỉ là một sản phẩm trau chuốt và tinh tế mà nó còn “nhuốm máu” và mồ hôi của rất nhiều con người đang đứng làm việc 11 tiếng mỗi ngày và đặt cả cuộc sống của mình vào đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại