Người dân đã ngán đến tận cổ điệp khúc "lỗ" được phát ra liên tục từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thời gian gần đây. Điệp khúc ấy một lần nữa được lãnh đạo Bộ Công Thương lên tiếng, kèm theo đó là cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của EVN nếu giá điện không tăng.
Tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN chiều 19/11 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn này thừa nhận, trong năm 2010, giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đồng/kWh, trong khi đó giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.180,0 đồng/kWh, tức là với chỉ riêng việc kinh doanh điện, EVN đã lỗ 10.162 tỷ đồng.
Mặc dù giá thành điện được công bố chi tiết thông qua các loại chi phí tại các khâu phát điện (916,2 đồng/kWh), truyền tải (65,7 đồng/kWh), phân phối (189,2 đồng/kWh), phụ trợ và quản lý ngành (8,9 đ/kWh), nhưng những con số này vẫn không làm cho nhiều người thỏa mãn.
Ngoài ra, dư luận rất không đồng tình trong việc trả lương thưởng của cán bộ công nhân viên đang làm việc cho EVN.
Thật khó mà thông cảm khi ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, than rằng ông cảm thấy "đau lòng" khi lương để hạch toán vào giá thành điện của cán bộ công nhân viên và lãnh đạo EVN (bình quân đầu người) "chỉ" ở mức... 7,3 triệu đồng/người/tháng. Liệu khi đưa ra con số này, ông Thanh có biết là nó rất phản cảm hay không?
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thì con số nợ khủng của năm 2010 này sẽ được hạch toán vào giá điện. Tức là bất kể vì lý do gì, lỗ do yếu tố chủ quan hay khách quan, do cơ chế chính sách, do thiên tai hay nhân tai... thì dù thế nào đi nữa, người dân cũng phải gánh chịu.
Đây là một biểu hiện của sự thiếu sòng phẳng khi EVN là đơn vị độc quyền cung cấp điện và đang sử dụng nguồn lực tài chính, tài nguyện dồi dào của quốc gia, mà thực chất là tiền thuế do nhân dân đóng góp.
Theo Stockbiz