Song, khi hỏi giá điện sẽ tăng thế nào, khi nào tăng thì cả quản lý ngành lẫn lãnh đạo EVN đều "im thin thít", chỉ giãi bày đó là việc đặng chẳng đừng.
Sao phải giấu nhẹm chuyện tăng giá điện?
Không thông báo trước vấn đề tăng giá điện - có lẽ, đây là điều gây thất vọng lớn tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của Bộ Công Thương cuối tuần qua.
Rõ ràng nói ngược, nói xuôi, nói xa nói gần thì tinh thần chung của cuộc họp báo cũng nhằm gửi thông điệp tới nhân dân rằng: tăng giá điện là giải pháp duy nhất để cứu vãn ngành điện hiện nay, mà cụ thể hơn là để bù lỗ cho EVN, ngăn ngừa EVN vỡ nợ, phá sản.
Thông điệp đáng lưu tâm hơn là người dân không có quyền biết trước chuyện tăng giá điện!
Vì sao chuyện giá điện lại phải giấu nhẹm và bàn kín như vậy? Vì sao một thứ giá độc quyền, liên quan lợi ích sát sườn của doanh nghiệp và người tiêu dùng lại không được công bố công khai rộng rãi?
Chưa bao giờ, lãnh đạo Bộ Công Thương hay lãnh đạo EVN nêu rõ lý do phải giữ kín các phương án tăng giá điện với báo chí. Các nhà quân sư tham mưu lĩnh vực giá điện này cho Chính phủ chỉ đưa ra một nguyên tắc đơn giản là: vấn đề còn đang bàn, đang trình và chưa nói được.
Minh bạch hay lobby
Trước đó, khi nghe tin EVN xin tăng giá điện, các chuyên gia kinh tế đều "khuyến cáo" Chính phủ rằng, phải kiểm tra xong giá thành điện rồi hãy tính chuyện tăng giá.
Tuy nhiên, diễn ra đột xuất vào chiều thứ Bảy tuần trước và vắng đại diện Bộ Tài chính vì lý do tổ chức gấp, toàn nội dung cuộc họp báo chỉ kêu lỗ, nợ cho EVN và "tuyên bố" sẽ phân bổ hơn 10.000 tỷ đồng lỗ vào giá bán lẻ điện, cách thức đó đã biến một sự kiện chính thống minh bạch trở thành một động thái lobby chính sách thì đúng hơn.
Theo VEF