Câu chuyện dự án bị chậm tiến độ đã không còn lạ lẫm với giới đầu tư. Kể từ cuối năm 2010, đầu năm 2011, thị trường bất động sản bắt đầu "ngấm đòn" vì thiếu vốn. Ðến nay, các giao dịch trên thị trường đều chững lại, chỉ những người có nhu cầu thực tìm mua nhà giá thấp để ở.
Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội về kết quả tình hình rà soát các khu đô thị, dự án nhà ở cho thấy, hầu hết các dự án được kiểm tra trên địa bàn đều chậm tiến độ so với quy định. Dự án Khu đô thị mới Hanoi Garden City (Long Biên) do Liên doanh Berjaya - Handico 12 làm chủ đầu tư, quy mô 31,5 ha.
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành trong năm 2012, nhưng đến thời điểm kiểm tra, dự án vẫn còn một diện tích nhỏ chưa giải phóng mặt bằng, các công trình hạ tầng xã hội, trường học mầm non, phổ thông, y tế, trụ sở hành chính thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư vẫn chưa được triển khai thực hiện. Trong khi đó, chủ đầu tư đã hoàn thành và bán cho khách hàng 148 căn hộ chung cư và hơn 100 căn biệt thự. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, việc dự án chậm tiến độ cũng có "đóng góp" không nhỏ của việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kéo dài gần ba năm đã ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của dự án.
Trên địa bàn quận Hoàng Mai có hai dự án là Khu đô thị mới Ðại Kim - Ðịnh Công (23,6 ha) và khu nhà ở Bắc Ðại Kim - Ðịnh Công (11 ha) cũng bị chậm tiến độ quá nhiều so với mục tiêu được phê duyệt, trong đó, dự án Bắc Ðại Kim - Ðịnh Công có tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2003 - 2005, nhưng đến nay mới giải phóng mặt bằng được khoảng 8% diện tích thu hồi.
Tại huyện Thạch Thất, dự án khu biệt thự, nhà vườn Tiến Xuân do Công ty TNHH Bất động sản Xuân Cầu làm chủ đầu tư, có diện tích 45 ha cũng đang chậm tiến độ. Theo báo cáo, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, nhưng tỷ lệ hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật mới đạt khoảng 60%.
Các công trình khác như trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà văn hóa, thể dục - thể thao, nhà trẻ mẫu giáo... vẫn chưa được đầu tư. Với khu A, chủ đầu tư mới hoàn thành 44/90 biệt thự. Toàn bộ khu C vẫn chưa được triển khai, trong khi theo tiến độ cấp phép phải hoàn thành trong tháng 3-2014.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn. Sau khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khủng hoảng, thị trường bất động sản đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Hàng loạt chủ đầu tư phải xin đình, hoãn, giãn tiến độ.
Trong khi đó, người mua lại mất niềm tin vào thị trường, nên khiến bất động sản rơi vào cảnh ế ẩm. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Xây dựng, tính đến tháng 6-2013, giá trị hàng tồn kho bất động sản khoảng 108.000 tỷ đồng tương ứng 15%.
Còn theo thống kê từ các Sàn giao dịch bất động sản, gần đây, một số chủ đầu tư đã chào bán lại sản phẩm, đáng chú ý mức giá chào bán giảm tới 30% so với mức giá mở bán lần đầu. Cho đến nay, giá bất động sản đã giảm liên tiếp trong hai năm.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, mặc dù niềm tin vào thị trường đang có dấu hiệu bắt đầu hồi phục, nhưng hiện nay, hầu hết người mua nhà vẫn rất thận trọng trước khi quyết định. Một bộ phận người mua có nhu cầu thực vẫn có tâm lý chờ đợi giá giảm thêm.
Báo cáo của Công ty CBRE Việt Nam đánh giá: Với tình hình nguồn cung hoàn thiện vẫn tiếp tục tăng thì áp lực tiếp tục giảm giá trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, số lượng các dự án giảm giá sẽ ít hơn khi giá bán tiến gần đến chi phí.
Trong thời gian tới, các dự án có mức giá chào bán vào khoảng 15 - 20 triệu đồng/m2 dự kiến sẽ có tỷ lệ bán tốt nhất. Với phân khúc biệt thự, nhà liền kề, tình hình vẫn không sáng sủa hơn dù các dự án hoàn thiện ngày càng nhiều, nhưng không có khách hỏi mua do hạ tầng chưa được hoàn thiện.