Đói vốn, EVN đổ thừa do giá thấp

Thiếu vốn là bài ca muôn thuở của ngành điện. Nhưng thực chất, ngành điện đã thiếu vốn đến cùng kiệt chưa?

Tại hội thảo “Vốn cho các dự án điện và vấn đề cấp bách”, do Hiệp hội năng lượng Việt Nam tổ chức hôm 13/12, người đầu tiên than phiền cơ chế giá điện thấp là ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ.

Ông nhìn nhận: “Nền kinh tế phải bao cấp giá điện quá lâu. Trong khi giá bình quân các nước đều từ 15-22 cent/kWh thì tại Việt Nam mới chỉ 7 cent/kWh. Giá thành cao hơn giá bán tới 10%. Thêm vào đó, vừa qua giá than đã nâng lên ngang giá thành khi bán cho điện. Toàn bộ vấn đề ‘bao cấp giá’ một mình ngành điện gánh chịu. Chính vì cơ chế này nên ngành điện mới thiếu vốn”.

giá-điện, EVN, thua- lỗ, giá-thành, chi-phí, thiếu-vốn
EVN thiếu vốn không chỉ do giá thấp

“Trong khi đó, cứ mỗi lần tăng giá điện là Chính phủ bàn nhiều. Cứ tăng là dư luận xã hội nhao nhao lên. Vì ta quen với bao cấp rồi. Giờ, giá điện phải đẩy lên cho bằng với giá thị trường. Khi đó, nguồn vốn sẽ thoải mái hơn, chỉ cần có lãi, nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng vào làm điện”, ông Thạch nói.

Theo ông, đã đến lúc phải tạo cho xã hội một tâm lý, đã sử dụng điện là phải đúng với giá thành cộng một tỷ lệ lợi nhuận định mức nào đó. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý ngành điện phải công khai hóa giá thành của mình.

Song, ông Nguyễn Văn Thảo, trợ lý chủ tịch nước, phản ứng: “Có thật là ngành điện thiếu vốn không? Thiếu đến nỗi không mò đâu ra được vốn không? Có phải thiếu tuyệt đối không hay là thiếu tương đối, ra chỗ khác, vào chỗ này?”.

Và ông cho rằng: “Nếu có cách làm đúng thì ngành điện không thiếu vốn!”.

Việc thiếu vốn của ngành điện, theo ông Thảo, chỉ có 2 nguyên nhân. “Hoặc là bản thân anh sử dụng vốn không hiệu quả, do năng lực quản lý, thất thoát, lãng phí, dự án không công khai, minh bạch; hoặc là, do khách quan giá điện, là cơ chế bất khả kháng đối với người sản xuất. Nếu cứ lẫn lộn hai nguyên nhân này thì khi nói ra, dư luận xã hội sẽ phản ứng”.

Ông Thảo phân tích: “Các anh làm ngành điện thì bức xúc giá điện thấp, thiếu vốn, còn người dùng thì bức xúc về việc minh bạch công khai giá nên khi ký duyệt tăng giá điện, đâu phải dễ!”.

“Phải mổ xẻ kỹ nguyên nhân thiếu vốn ra, cứ nói khơi khơi thế này, khó kết luận!”, ông Thảo nhận xét.

Giá thành vẫn cao vống

Ở góc nhìn trung lập, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng, bình luận: “Tăng giá điện thì tăng lợi nhuận của nhà đầu tư nhưng cũng là gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất”.

giá-điện, EVN, thua- lỗ, giá-thành, chi-phí, thiếu-vốn
 

Ông phân tích: “Tiềm năng giảm chi phí của ngành điện còn rất lớn. Ở các nhà máy điện, giá thành cao, vì suất tiêu hao nhiên liệu cho 1 kWh còn cao, hệ số biên chế nhân lực còn lớn. Ở truyền tải và phân phối, tổn thất điện nặng còn lớn, vào loại rất cao trên thế giới. Lâu nay, mức tổn thất điện năng cứ 9-10% mà không xuống thấp được. Nếu giảm 1% tổn thất thì EVN sẽ tăng lợi nhuận lên kinh khủng. Hệ thống quản lý của ngành điện còn cồng kềnh nên phải đổi mới, tái cơ cấu”.

Theo TS Duệ, quan trọng là phải tiết kiệm trong phát điện, giảm tổn thất trong truyền tải phân phối. Tiết kiệm trong sử dụng điện chính là giảm chi phí điện. Nếu làm được, EVN còn tăng cả lợi nhuận.

“Để tạo nguồn vốn tự có, tăng lợi nhuận thì phải nhìn hai phía: nếu giá điện còn thấp thì ta tăng, nhưng vế thứ hai cần quan tâm hơn là giảm chi phí ở tất cả các mặt”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhà khoa học này cũng lưu ý, Luật Điện lực sửa đổi đã nói rõ có 6 căn cứ điều chỉnh giá điện, như về chính sách, về điều kiện kinh tế - xã hội, về thu nhập người dân, cung cầu ngành điện, chi phí sản xuất kinh doanh, báo cáo kiểm toán tài chính hàng... Cho nên, không phải cứ nói lỗ là đòi tăng giá điện ngay. Quan trọng là phải căn cứ vào luật.

Đồng quan điểm, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội năng lượng, cho rằng: “Năm qua, EVN vẫn thu xếp được hơn 100 ngàn tỷ vay vốn làm điện là nỗ lực lớn. Tuy nhiên, muốn lợi nhuận cao thì giá thành phải giảm. Còn nếu để giá thành vống lên, không chịu giảm thì không bao giờ có lãi”.

Các chuyên gia đều khuyến nghị, về lâu dài, ngành điện phải sớm chuyển sang cơ chế thị trường. Ba cấp độ thị trường điện cạnh tranh cần đẩy sớm hơn nữa, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện, vì sớm ngày nào thì hiệu quả cao ngày đấy.

Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, tổng vốn đầu tư riêng cho các dự án điện tới năm 2020 là 542.000 tỷ đồng, chiếm tới 58,8% tổng nhu cầu đầu tư thuần của EVN. Tuy nhiên, tập đoàn vẫn còn khoảng 250 nghìn tỷ chưa cân đối được, đang tiếp tục tìm kiếm đối tác.

Hiện các ngân hàng trong nước đều cho EVN vượt ngưỡng giới hạn của một đơn vị nên tất cả các khoản vay này đều phải xin phép Thủ tướng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại