Ngoài việc nhập khẩu xăng dầu bán trong nước, các doanh nghiệp đầu mối còn tạm nhập và tái xuất sang các nước như Lào - Campuchia hoặc bán cho tàu biển, máy bay... Việc tạm nhập - tái xuất được xem như hoạt động bình thường của doanh nghiệp xăng dầu. Tuy nhiên thời gian qua, doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng hình thức này bằng cách tạm nhập xong thì "lờ" việc xuất đi mà chuyển sang bán lẻ trong nước.
Hải quan TP HCM đã ghi nhận nhiều trường hợp chuyển một phần xăng dầu tạm nhập thành kinh doanh nội địa, có khi 60% lô hàng, lúc tăng lên 80% và thậm chí có lúc đem bán trong nước nguyên cả lô hàng. Hàng nghìn tấn hàng tạm nhập đã được đưa ra thị trường nội địa theo cách như vậy.
Theo Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực 3 - nơi đảm nhiệm việc làm thủ tục nhập hàng của 9 đầu mối xăng dầu lớn, hàng tạm nhập - tái xuất không phải chịu thuế nhập khẩu. Nếu lô hàng này chuyển kinh doanh nội địa thì phải nộp thuế như những trường hợp nhập khẩu về bán trong nước. Tuy nhiên, thuế suất được tính vào thời điểm tạm nhập, chứ không tính lúc doanh nghiệp chuyển hàng vào thị trường nội địa để bán. Vì vậy, họ sẽ hưởng lợi nếu thuế thời điểm bán cao hơn thời điểm nhập.
Ví dụ, doanh nghiệp tạm nhập hàng vào ngày 15/6 để tái xuất và hưởng thuế suất tạm nhập bằng 0. Đến ngày 3/7 thuế nhập khẩu xăng dầu tăng từ 10% lên 12%, lập tức doanh nghiệp xin chuyển lô hàng tạm nhập ngày 15/6 thành tiêu thụ nội địa. Lúc đó, thuế của lô hàng chuyển tiêu thụ nội địa sẽ được tính vào ngày 15/6, tính ra doanh nghiệp lời 2% tiền thuế so với thuế nhập hàng bán nội địa.
Trên thực tế, vừa qua khi thuế nhập khẩu xăng dầu tăng từ 10 lên 12%, doanh nghiệp mới "ào ạt" lấy hàng tạm nhập chuyển kinh doanh trong nước để được tính thuế thấp hơn.
Ngoài ra, một 'lỗ hổng" khác về chính sách tạm nhập - tái xuất giúp các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dễ dàng toan tính hơn. Theo quy định, sau khi nhập tạm, thời gian lưu hàng lên đến 120 ngày, đầu mối được quyền gia hạn 2 lần, mỗi lần 30 ngày, tính ra thời gian tạm nhập có thể lên đến 180 ngày.