Với mức tăng chóng mặt như hiện nay, theo lãnh đạo Saigon Petro, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh "gần chết". Ông Sang khẳng định, trong tình cảnh khó khăn, doanh nghiệp của ông đã phải cắt giảm thù lao cho các đại lý gần 50%. Trước đây, mức thù lao này khoảng 600 đồng mỗi lít thì nay Saigon Petro giảm xuống còn 350 đồng. Theo ông Vinh, nếu giá xăng dầu thế giới còn tiếp tục leo thang thì có khả năng, đầu mối còn tiếp tục cắt giảm phí hoa hồng cho các đại lý.
Trong bối cảnh khó khăn, một số doanh nghiệp đã cắt 50% thù lao cho đại lý. Ảnh: Hoàng Hà
Trước tình hình giá thế giới tăng cao, Bộ Tài chính đang cân nhắc phương án giảm thuế nhập khẩu, vốn được giữ ở mức4-5%trong vòng gần 2 tháng qua. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, giảm thuế chưa hẳn là cách để gỡ khó cho doanh nghiệp. Điều quan trọng là Bộ cần phải điều chỉnh xăng dầu theo giá thế giới.
"Mấu chốt vấn đề hiện nay là cần điều chỉnh xăng dầu theo giá thị trường. May mắn của chúng tôi hiện nay là không thiếu ngoại tệ, nhưng khi giá thế giới leo thang thì doanh nghiệp xăng dầu sẽ rất khó sống", ông Vinh chia sẻ.
Theo Petrolimex, trong nửa đầu tháng 2, giá xăng dầu thành phẩm tại Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam tăng từ 0,89% đến 5,18% so với cùng kỳ tháng trước. Theo đó, xăng RON 92 có giá trung bình 125,94 USD mỗi thùng trong khi cùng kỳ tháng trước, con số này chỉ ở mức 119,74 USD.
Riêng trong ngày 13/2, xăng RON 92 lên đỉnh nhất trong 9 tháng qua ở ngưỡng 129,85 đôla mỗi thùng. Các mặt hàng khác như dầu hỏa, DO cũng tăng lần lượt tăng ở mức 2,29% và 2,04%. Riêng FO tăng thấp nhất ở mức 0,89%.