Tại Hội thảo Security World 2015 - “Tăng cường Bảo mật và An toàn thông tin trong môi trường rủi ro hiện nay”, tổn hại vì rủi ro an ninh mạng trong các doanh nghiệp Việt Nam lại tiếp tục được báo động đỏ.
Theo số liệu của PWC công bố, hàng năm, con số thiệt hại do Việt Nam bị tin tặc tấn vì bảo vệ an ninh không đầy đủ là khoảng 8.000 tỷ đồng.
Đây mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Phần chìm là 55% doanh nghiệp và các tổ chức của Việt Nam không thiết lập các thủ tục về bảo mật thông tin, 45% trong số doanh nghiệp bị nhiễm virus lây lan mã độc hại.
Theo khảo sát của tổ chức nghiên cứu thị trường EY, 49% doanh nghiệp Việt Nam không thấy sự riêng tư như là một ưu tiên hàng đầu, trong khi 40% thất bại trong việc nghiên cứu các vấn đề an ninh mạng.
Ông Jason Kelly, Giám đốc khối Bảo hiểm Tài chính châu Á, Tập đoàn AIG, một chuyên gia về bảo hiểm an ninh mạng cho doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam không nên để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Bởi lẽ, đảm an toàn thông không còn là trách nhiệm của IT mà là trách nhiệm của Ban Giám đốc điều hành và toàn bộ nhân viên.
Trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp đang để việc kinh doanh đầy quan trọng của họ trên xa lộ thông tin mà không có bất cứ bảo hiểm rủi ro công nghệ thông tin nào.
Theo ông Jason, đối với các doanh nghiệp Việt, việc mua bảo hiểm an ninh mạng là điều cần thiết và nên làm.
Bảo hiểm an ninh mạng là sản phẩm giúp doanh nghiệp có thể chia sẻ rủi ro, bởi chẳng có cách nào tránh rủi ro một cách tuyệt đối.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, trên thị trường hiện nay, có nhiều sản phẩm bảo hiểm mạng cho các doanh nghiệp lựa chọn. AIG cũng có sản phẩm bảo hiểm rủi ro công nghệ thông tin CyberEdge.
Trong trường hợp doanh nghiệp bị tấn công, bảo hiểm CyberEdge sẽ bảo hiểm cho tổn thất doanh thu của doanh nghiệp do gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm trách nhiệm của công ty đối với bên thứ 3…
Theo báo cáo tổng kết của Kaspersky năm 2014, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới với gần 70% người dùng máy tính nhiễm mã độc, phần mềm độc hại cục bộ qua USB, thẻ nhớ…
Báo cáo này cũng cho biết, trong năm 2014, có 1,4 triệu vụ tấn công người tiêu dùng bằng mã độc trên Android, tăng gấp 4 lần so với năm 2013.
Trong đó, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về số người dùng thiết bị di động bị mã độc tấn công.
Các vụ tấn công vào các website tiếng Việt đã tăng gấp đôi từ 2.250 vụ năm 2011 lên 3.520 vụ trong 7 tháng đầu năm 2014.