Doanh nghiệp Nhật khôi phục sản xuất tại Trung Quốc

trangnguyen |

Toyota dự định phục hồi hoàn toàn hoạt động, Panasonic hay Honda chỉ tính mở lại một số nhà máy.

Toyota Motor và Aeon - hãng sản xuất ôtô và chuỗi bán lẻ lớn nhất Nhật Bản đang đưa việc kinh doanh tại Trung Quốc về quỹ đạo bình thường sau cuộc biểu tình của người dân nước này.

Người phát ngôn của Toyota - Joichi Tachikawa cho biết họ sẽ khôi phục hoàn toàn sản xuất tại Trung Quốc trong hôm nay. Trong khi đó, Aeon dự định mở lại hầu hết các cửa hàng và thống kê thiệt hại sau cuộc tấn công của người dân Trung Quốc.

Vấn đề đảo tranh chấp đã khiến nhiều công ty Nhật Bản tại Trung Quốc phải đóng cửa, trong đó có Honda Motor và Fast Retailing với thương hiệu thời trang Uniqlo. Người phát ngôn của Fast Retailing - Keiji Furukawa ước tính tuần trước, doanh thu của hãng tại Trung Quốc đã giảm tới 20% so với thường lệ.

doanh-nghiep-nhat-khoi-phuc-san-xuat-tai-trung-quoc

Toyota sẽ khôi phục hoàn toàn sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh:China Daily

Furukawa cho biết: "18/9 là ngày tồi tệ nhất vì chúng tôi phải đóng tới 60 cửa hàng. Doanh thu hôm đó chỉ bằng một phần ba bình thường". Ngày 21/9, chủ tịch Honda - Takanobu Ito cũng cho biết họ sẽ mở lại một số nhà máy ở Trung Quốc, nhưng chưa tính đến việc khôi phục hoàn toàn.

Các hãng xếp hạng tín nhiệm cho biết ngành công nghiệp ôtô có thể đối phó với việc doanh thu giảm trong ngắn hạn tốt hơn do nhu cầu thế giới đang mạnh. Trong khi đó, ngành điện tử tiêu dùng sẽ chịu tác động lớn vì đang trong quá trình cải tổ.

Phát ngôn viên Hirotomo Fujimori của Canon cho hay, họ đã dừng hoạt động tất cả các nhà máy ở Châu Hải, Quảng Đông ngày 21/9, sau khi tạm thời khôi phục một ngày trước đó. Nhà máy của công ty ở Trung Sơn, Quảng Đông cũng đã phải đóng cửa do công nhân lo ngại làn sóng chống Nhật ở đây.

Chi nhánh của Panasonic tại Tô Châu đã hoạt động bình thường, trong khi nhà máy ở Thanh Đảo mới khởi động lại một phần ngày 21/9. Một cơ sở khác của hãng tại Châu Hải cũng phải ngừng hoạt động sau khi bị 10 công nhân Trung Quốc gây rối.

Seven & I Holdings - công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cũng vừa mở lại các cửa hàng tại Trung Quốc. Người phát ngôn của công ty, ông Hirotake Henmi cho biết: "Chúng tôi hầu như không chịu thiệt hại nào vì đã có rào chắn của cảnh sát".

Biểu tình có dấu hiệu lắng xuống là lý do khiến một số hãng Nhật Bản lên kế hoạch sản xuất trở lại. Thị trường Trung Quốc mang lại nguồn doanh thu khổng lồ, hơn nữa các doanh nghiệp Nhật cũng đã quen thuộc và đầu tư nhiều để sản xuất các sản phẩm phù hợp với hạ tầng nơi đây.

Vì vậy, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Nhật sẽ chấp nhận rủi ro để tiếp tục làm ăn tại đây ít nhất vài năm nữa, cho tới khi nào đã có kế hoạch kỹ lưỡng về thị trường thay thế.

Ông Mitsumaru Kumagai - nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Institute of Research cho biết bất chấp các rủi ro chính trị, những công ty này sẽ vẫn khai thác thị trường Trung Quốc trong vài năm tới, do tăng trưởng tại đây vẫn cao so với nhiều nước khác.

Trong một buổi họp báo tuần trước, Chủ tịch Toyota – ông Akio Toyoda cho biết: “Các hãng ô tô Nhật Bản đã sản xuất loại xe hợp nhất với giao thông Trung Quốc và thiết lập mối quan hệ với nhiều công nhân và doanh nghiệp tại đây”.

Theo báo cáo của Merrill Lynch Japan Securities, Trung Quốc chiếm tới 25% lợi nhuận của Nissan, 21% của Toyota và 16% của Honda. Vì vậy, ảnh hưởng của nước này tới ngành công nghiệp Nhật Bản là rất lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại