Động thái này diễn ra ngay sau khi nhà máy của hai tập đoàn Nhật Bản là Toyota và Panasonic bị người biểu tình tại Trung Quốc phá hoại.
Hàng nghìn người đã tràn ra các đường phố ở Bắc Kinh,
Thượng Hải và Quảng Châu, khẳng định chủ quyền Trung Quốc tại các hòn
đảo tranh chấp và tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Theo Radio Television Hong Kong, cảnh sát Thâm Quyến đã phải dùng vòi phun và hơi cay để ngăn người biểu tình tiến đến một trung tâm thương mại của Nhật Bản.
Các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc cũng đưa tin
về những vụ biểu tình này, chủ yếu thống kê số người bị bắt giữ vì hành
động quá khích như phá ôtô hay đập vỡ kính cửa hàng.
Website của China Dailycũng có tin Canon đóng cửa nhà máy vì người biểu tình, trích nguồn "theo giới truyền thông Nhật Bản".
Bên trong một nhà máy của Toyota tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh:China Daily
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đã gia
tăng khi Nhật Bản tuyên bố sẽ mua lại các đảo tranh chấp từ chủ sở hữu
tư nhân người Nhật. Để đáp lại, Trung Quốc đã cử hai tàu hải giám đến
gần khu vực quần đảo Sensaku (Điếu ngư).
Cuộc tranh chấp nổ ra trong bối cảnh cả hai quốc gia đều phải chống chọi với suy giảm kinh tế toàn cầu và Trung Quốc còn đang chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực lớn nhất thập kỷ.
Ông Andy Xie, cựu nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley cho biết: "Đây là một đòn giáng mạnh nữa vào kinh tế thế giới. Trung Quốc có thể mất đi nguồn vốn FDI đáng kể, tuy nhiên, thiệt hại mà Nhật Bản phải gánh chịu sẽ nặng hơn nhiều khi ôtô đang là điểm sáng của kinh tế nước này".
Doanh số bán ôtô Nhật Bản đã giảm mạnh tại Trung Quốc trong tháng qua, so với mức tăng hơn 10% tại thị trường Đức, Mỹ và Hàn Quốc. Trung Quốc hiện là thị trường ôtô lớn thứ hai thế giới.
Một đại lý của Toyota đã bị đốt cháy ở Thanh Đảo, Sơn
Đông (Trung Quốc). Đại diện Toyota - ông Keisuke Kirimoto cho biết đang
thống kê thiệt hại tại một số nhà máy khác. Khói và lửa còn được phát
hiện bốc ra từ nhà máy của Panasonic trong cùng thành phố sau cuộc biểu
tình.
Nhà máy này đã phải thông báo đóng cửa cho đến hết 18/9. Ba nhà máy của Canon tại Trung Quốc cũng phải tạm ngừng trong hôm nay và ngày mai để bảo đảm an toàn cho công nhân.
Ông Shaun Rein, chuyên gia phân tích của Tập đoàn nghiên cứu China Market cho biết những cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc có thể khiến doanh nghiệp Nhật rút khỏi Trung Quốc. Ông nói: "Các công ty Nhật Bản có thể sẽ mở rộng đầu tư sang Thái Lan hoặc các quốc gia khác chào đón họ".
Rein cũng cảnh báo việc này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc, đồng thời tác động xấu đến thương mại hai nước. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, còn Nhật Bản là thị trường lớn thứ ba của nước này. Vì thế, nếu quan hệ hai nước có tổn hại, thì đôi bên sẽ cùng chịu thiệt, nhất là khi kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng rất ì ạch.