Doanh nghiệp khuếch trương 39 tỷ USD: Bí ẩn đằng sau tấm vải đỏ

Rừng Toàn Cầu còn đăng tải không ít dự án lớn trên trang web của mình mà dự án đó chưa hề được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Thông tin 39 tỷ USD vốn của công ty cổ phần phát triển Rừng Toàn Cầu (công ty Rừng Toàn Cầu) càng trở nên khó hiểu khi lãnh đạo của công ty liên tục đi vắng và từ chối trả lời những câu hỏi của báo chí. Không chỉ vậy, Rừng Toàn Cầu còn đăng tải không ít dự án lớn trên trang web của mình mà dự án đó chưa hề được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Vậy, Rừng Toàn Cầu tổ chức nhiều hội nghị lớn ở các tỉnh “khuếch trương” 39 tỷ USD và hứa hẹn cho vay vốn, làm từ thiện thực chất là như thế nào và với mục đích gì?

Bí ẩn nào đằng sau... tấm vải đỏ?

Trước hàng loạt phản ánh trái chiều về số vốn 39 tỷ USD của  công ty Rừng Toàn Cầu, PV đã trực tiếp đến công ty này tại 139/1A Đinh Bộ Lĩnh (phường 26 quận Bình Thạnh, TP.HCM) để tìm hiểu thực hư. Tuy nhiên, đại diện công ty Rừng Toàn Cầu đã từ chối trả lời những câu hỏi của phóng viên, vì lãnh đạo công ty đang đi công tác tại Khánh Hòa. Bên cạnh đó, mặc dù đã đi vào hoạt động tại đây được một thời gian, nhưng bảng hiệu của công ty Rừng Toàn Cầu vẫn bị che với một tấm vải đỏ, có phải Rừng Toàn Cầu đang giấu sự thật gì đó sau tấm vải đỏ không?

Trả lời về việc, trang mạng của Rừng Toàn Cầu đăng tải thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện - Cảng biển nước sâu đa năng, ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) tỏ ra bất ngờ: "Dự án Nhà máy nhiệt điện - Cảng biển nước sâu đa năng nằm trong hàng loạt dự án kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế biển Gành Hào. Nhưng tới thời điểm này, chúng tôi chưa tiếp nhà đầu tư công ty Rừng Toàn Cầu. Đại diện sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Chúng tôi chưa tiếp, chưa cấp giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy nhiệt điện - Cảng biển nước sâu đa năng cho công ty Rừng Toàn Cầu".

Tương tự, việc thông tin công ty Rừng Toàn Cầu tài trợ vốn cho công ty Đại Viễn Dương (quận 10, TP.HCM) hàng chục tỷ đồng để thực hiện các dự án tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cũng chỉ là trên giấy. Ông Phạm Trọng Thuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Đại Viễn Dương xác nhận: "Các dự án tại huyện Nhơn Trạch, công ty Đại Viễn Dương đã tiến hành đền bù được 80%. Mới đây, Rừng Toàn Cầu ký kết hợp đồng góp vốn vào các dự án của Đại Viễn Dương tại huyện Nhơn Trạch. Phía Rừng Toàn Cầu sẽ đầu tư 40% vốn. Việc góp vốn sẽ được thực hiện trong quý 1/2014. Tuy nhiên, cho đến nay, đối tác Rừng Toàn Cầu vẫn chưa chuyển vốn".

Doanh nghiệp khuếch trương 39 tỷ UDS nhằm mục đích gì? - Ảnh 1
Những ngày gần đây, rất nhiều người dân từ khắp các tỉnh thành kéo đến trụ sở của Rừng Toàn Cầu để xin ký hợp đồng thành viên.

Cũng liên quan đến doanh nghiệp này, một số người dân tại TP.HCM cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2014, có thông tin, nếu bỏ ra 63,80 triệu đồng mua cổ phiếu của công ty thì sẽ thu được gấp 20 lần. Bên cạnh đó còn có thông tin cho hay, đến cuối tháng 3 hoặc tháng 6/2014, giá trị cổ phiếu của Rừng Toàn Cầu sẽ tăng lên 310 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV, công ty cổ phần phát triển Rừng Toàn Cầu là tổng công ty mẹ trong khối liên doanh các công ty, trong đó có 8 công ty trực thuộc. Từ năm 2010, những công ty này lập khối liên doanh nhưng bị cơ quan chức năng xác định là không có tư cách pháp nhân. Lĩnh vực kinh doanh chính là trồng rừng và chăm sóc rừng đã được đăng ký trên giấy phép đăng ký kinh doanh do sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp. Vốn điều lệ của công ty là 45 tỷ đồng. Tổng giám đốc của công ty này là  ông Hoàng Quốc Bình và công ty này đã hoạt động được khoảng 2 năm nay.

Điều đáng nói là Rừng Toàn Cầu được quảng cáo có tới 2.500 nhân viên nhưng theo sự quan sát thực tế của PV thì chỉ có vài ba nhân viên làm việc trong ngôi nhà 3 tầng lọt thỏm trong hẻm. Điều đó cho thấy những lời giới thiệu hoành tráng của công ty này trên trang web hoàn toàn khác hẳn so với thực tế. Khi PV đề nghị xin số điện thoại liên lạc của ông Hoàng Quốc Bình, nhân viên của công ty trả lời không có số và giới thiệu chúng tôi liên hệ theo địa chỉ 68 Phan Đình Phùng (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Chiêu lừa đảo "bình mới, rượu cũ"?

Trao đổi với PV về công ty Rừng Toàn Cầu, ông Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc công ty Uvip Việt cho rằng: "Chỉ cần nhìn qua số vốn và cách thức doanh nghiệp này làm việc đã đủ hiểu đây là một một công ty làm ăn chân chính hay lừa đảo rồi. Họ quảng cáo có 39 tỷ USD để hỗ trợ trồng rừng, có 2.500 nhân viên nhưng văn phòng lại ở tận "hang cùng, ngõ hẻm".

Thứ hai, một doanh nghiệp "khủng" như vậy, đáng lẽ ra họ phải liên hệ với Nhà nước đầu tiên để tăng uy tín đối với các địa phương nhưng Tổng cục Lâm nghiệp lại không có thông tin gì về họ.

Thứ ba, trong thời điểm kinh tế khó khăn ở mức độ toàn cầu, việc một doanh nghiệp có 39 tỷ USD rừng thì nghe đã biết là có vấn đề. Nhìn vào con số họ đưa ra, ai cũng có thể thấy được nghi án khai khống vốn, cố tình tạo số quỹ cực lớn, nhằm đánh bóng thương hiệu để thuận tiện cho các hoạt động tiếp theo mà họ hướng tới. Giá như doanh nghiệp này nói là có vài triệu USD thì có lẽ người ta sẽ dễ mắc lừa hơn".

Ông Tuân cũng cho biết thêm, từ trước đến nay, trên cả nước cũng ghi nhận rất nhiều vụ lừa đảo liên quan đến hỗ trợ trồng rừng như ở Hà Tĩnh, Trà Vinh... năm 2013. Tại Hà Tĩnh, nhiều tổ chức tự giới thiệu là doanh nghiệp chuyên hỗ trợ trồng rừng rồi thu gom sổ đỏ lâm nghiệp để lập dự án. Họ hứa hẹn xin được khoản tiền có giá trị lớn, thủ tục đơn giản... rồi chiếm đoạt luôn sổ đỏ của người dân.

"Thậm chí, cuối năm 2013, ở Thanh Hóa, 300 hộ dân đã mất sổ đỏ lâm nghiệp cũng vì chiêu lừa "bình mới, rượu cũ" của một doanh nghiệp. Tệ hại hơn, chính UBND địa phương đó cũng bị mắc lừa doanh nghiệp và tận tay đi thu gom sổ đỏ của dân. Rõ ràng, chiêu lừa đảo này đã được cảnh báo rất nhiều nhưng không ít người dân vẫn nhẹ dạ. Bên cạnh đó, tôi tự đặt câu hỏi, rõ ràng công ty này có nhiều điểm nghi vấn như vậy nhưng sao công an không vào cuộc sớm và để cho họ "công khai" tổ chức hội thảo trên cả nước đến vậy?", ông Tuân nhấn mạnh.

Những dấu hỏi cần làm rõ

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Dương, Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Lâm nghiệp, bộ NN&PTNT) khẳng định, không hề biết về công ty nào mang tên Rừng Toàn Cầu. Được biết, trước đây không lâu, rất nhiều tỉnh có điện thoại cho ông Dương nói rằng, công ty này mời tham dự hội nghị. Bởi cho rằng công ty này có dấu hiệu lừa đảo, nên ông Dương không tham gia bất cứ buổi hội nghị của công ty này.

"Sau khi báo chí đưa tin, chúng tôi cũng đã kiểm tra lại hệ thống văn bản nhưng công ty này không đánh giấy mời đến bộ NN&PTNT. Nếu họ mời chúng tôi bằng văn bản, Cục sẽ cử người xuống tham dự xem thực hư công ty này thế nào để còn cảnh báo người dân và các địa phương. Tôi được biết, hiện Hà Nam đã lên tiếng cảnh báo về công ty này rồi", ông Dương chia sẻ.

Cũng theo vị Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính, việc một công ty huy động được nguồn tài chính lên đến 39 tỷ USD để hỗ trợ trồng rừng là con số, nói ra đã gây nhiều nghi ngờ. Bởi thực tế cho thấy, cũng có rất nhiều tổ chức quốc tế đến Việt Nam bàn bạc đến vấn đề hỗ trợ trồng rừng nhưng số vốn rất ít và không "khuếch trương" như công ty Rừng Toàn Cầu.

Hiện các dự án trồng rừng, có Quyết định 57 của Chính phủ về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020; các ban quản lý dự án lâm nghiệp của bộ NN&PTNT và bộ TN&MT cũng có một số dự án. Hầu hết các tổ chức phi chính phủ đều qua các cơ quan Nhà nước của Việt Nam. Chính vì thế, chẳng có lý do nào mà một doanh nghiệp lớn như vậy mà vụ Kế hoạch-Tài chính không biết bất cứ thông tin gì.

Bài học lớn từ chiêu lừa dùng tiền "khủng" làm "mồi nhử"

Chia sẻ với PV, một chuyên gia đầu ngành về lâm nghiệp (đề nghị giấu tên-PV) cho biết, trước đây ông từng chứng kiến một Việt kiều Úc về Việt Nam khoe mẽ rằng, đã huy động được 1 tỷ USD để làm công tác trồng rừng. Nhằm tạo được lòng tin đối với các địa phương, đi đến đâu ông ta cũng tổ chức hội nghị này nọ. Tuy nhiên, có một điểm nghi vấn, chưa bao giờ Việt kiều này nói rằng đã làm việc với cơ quan trung ương. Sau đó ít lâu, kẻ lừa đảo này đã bị bắt ở nước ngoài với chiêu lừa đảo tương tự ở Việt Nam.

"Cuối năm 2013, dư luận cả nước cũng xôn xao về Việt kiều Paul Hùng với "gói viện trợ" 10 tỷ USD. Để được gói tiền "siêu khủng" kia tài trợ, doanh nghiệp Việt phải chi ra cho ông Paul Hùng một số tiền để làm "thủ tục" và "quan hệ". Nhưng sau này, tiền hỗ trợ không thấy đâu, các doanh nghiệp Việt Nam mới biết mình bị lừa. Nhiều người tán gia bại sản vì hình thức lừa đảo này", vị chuyên gia này cảnh báo.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại