Kỹ nghệ tiếp thị kiểu... Tây
Đang tận hưởng cơn đã bên những ly bia giữa cái nắng lịch sử của thủ đô, tôi giật mình khi nghe giọng nói lơ lớ bên tai: "Chào anh, mời anh dùng thử sản phẩm của công ty em". Chưa hết ngỡ ngàng vì người đứng cạnh mình là một thiếu nữ Tây xinh xắn với mái tóc vàng óng mượt, tôi được gí vào tay ly rượu với lời quảng cáo cũng cái giọng lơ lớ: "Đây là sản phẩm đậm đà hương vị Nga mê hoặc lòng người, mời anh thử".
Đang tròn mắt chưa biết xử lý ra sao, người đại diện công ty có sản phẩm này nhanh chóng có mặt giải thích: "Đây là sản phẩm rượu Vodka liên doanh với Nga, có tên gọi là Vodka cá sấu, nồng độ rượu là 30 độ". Vừa nói, nam thanh niên này giục người đẹp Tây nhanh tay rót đầy các ly mời khách dùng thử để đánh giá chất lượng. Lại cái giọng lơ lớ phát ra: "Xin mời! Các anh hãy thử và cho cảm nhận".
Người quản lý cho biết, đây là chương trình giờ vàng giảm giá của sản phẩm rượu Vodka cá sấu được tổ chức trên nhiều tỉnh thành cả nước. Theo chương trình này, giá bán của sản phẩm chỉ có 55.000 đồng/chai, trong khi giá các nhà hàng hiện chào bán sản phẩm nhập khẩu có giá từ 150 - 300 nghìn đồng/chai.
Theo quan sát của PV, sau đợt ra quân của đội tiếp thị với 5 cô gái ngoại quốc tại quán bia này, số lượng sản phẩm được khách hàng mua không hề nhỏ, trung bình mỗi bàn đều có nhã hứng lấy từ 1 - 2 chai. Có người bày tỏ sự ngưỡng mộ với màn maketing đầy ấn tượng này, rút hầu bao mua một... thùng.
Màn tiếp thị chưa đầy 30 phút, nhưng thương hiệu này đã nhanh chóng lấy lòng những thực khách đang trốn cái nóng gần 40 độ bên những ly bia.
Lãnh đạo Công ty CP giải pháp thị trường mới - đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm rượu Vodka "cá sấu" (xin giấu danh tính) cho biết, đây là chương trình đã được công ty và hãng nghiên cứu rất lâu nhằm mục đích đem hình ảnh, văn hóa Nga thân thiết đến với người Việt Nam một cách gần gũi nhất.
Vị đại diện công ty không tiết lộ về khoản chi phí để có được một đội PG (làm nhiệm vụ quảng bá sản phẩm - PV) người Nga này, nhưng theo nhẩm tính đơn thuần thì con số không nằm dưới tiền tỷ cho một chương trình kéo dài gần một tháng. "Toàn bộ những nhân viên này được chọn lựa kỹ càng từ bên Nga, đa số đều học chuyên ngành tiếng Việt nên việc thông thạo ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam là điều dễ hiểu", đại diện công ty cho hay.
Chơi... ngông?!
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đang "ôm" nhiều sản phẩm nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam, việc thuê người nước ngoài làm việc không phải bây giờ mới xuất hiện, mà nó được xem như một trào lưu từ cách đây nhiều năm. Đa số các doanh nghiệp chỉ nhằm đến những CEO quản lý, có nơi thì nhắm đến những người làm kinh doanh.
Bởi thực tế, khi phân phối một sản phẩm nước ngoài, cần phải có yếu tố người ngoại quốc nhằm tạo thêm niềm tin cho đối tác, cũng như khẳng định sức mạnh của doanh nghiệp. Việc thuê người ngoại quốc được chú ý, ầm ĩ nhưng khi bước vào thực tế kinh doanh không phải lúc nào cũng như trông đợi.
Rút ra từ bài học thực tế của đơn vị mình, vị này nhớ lại, sau khi nhờ một công ty "săn đầu người" nước ngoài tìm và giới thiệu một nữ CEO ngoại có hồ sơ rất hoành tráng. Nhưng sau hơn một năm hưởng mức lương 15 ngàn USD/tháng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp rớt thê thảm. Lúc này, HĐQT ngồi lại truy tìm nguyên nhân mới tỏ, cái thiếu nhất của vị CEO ngoại này chính là mức độ am hiểu môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
"Đây chính là rào cản lớn khó vượt qua, bên cạnh đó, chúng ta không thấy bóng dáng của những vị tướng ở họ, không thấy được những quyết định mang tính đột phá hay những bước đi đầy chắc chắn ở một số doanh nhân nội gạo cội", vị này chia sẻ.
Sau cuộc thoái trào của CEO ngoại, một lần nữa xu hướng doanh nhân nước ngoài được bổ nhiệm ban lãnh đạo của doanh nghiệp trong nước gần đây lại trở nên phổ biến. Làn sóng cậy nhờ sếp ngoại trỗi dậy bắt đầu từ cuối năm 2011 với câu chuyện xôn xao tại Techcombank, khi ngân hàng này thay tổng giám đốc đã gắn bó 12 năm, ông Nguyễn Đức Vinh bằng ông Simon Morris, quốc tịch Anh, làm người kế nhiệm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính khi đó cho rằng, Techcombank đã có một giai đoạn cực kỳ thành công với vị CEO Việt cũ. Tuy nhiên, ở một giai đoạn phát triển mới, với kỳ vọng mới việc chọn một sếp ngoại có lý lịch hoành tráng được khá nhiều người ủng hộ.
Vị sếp mới được kỳ vọng sẽ có thể hỗ trợ Techcombank duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ở một quy mô mới, một môi trường khó khăn và cạnh tranh hơn. Nhưng kết quả đến đâu vẫn còn là phía trước.
Ông Hà Kế Linh chia sẻ: Trước đây, doanh nghiệp ông nằm trong "top" đầu về phân phối mỹ phẩm nhập từ Hàn Quốc, khi kết quả kinh doanh "phất", ông quyết định đi bước đột phá khi thuê nguyên một đội PG chuyên nghiệp xứ Kim Chi sang làm thương hiệu. Khi đó, một dàn chân dài được tuyển lựa đưa sang với bản hợp đồng... "khủng".
Vậy mà sau 6 tháng hoạt động, doanh nghiệp phải lao đao vì khoản tiền quá lớn cho công tác này mà không hiệu quả. "Rút cục, từ một chuỗi cửa hàng ở hai thành phố lớn, nay trở về tay trắng khi 3 cửa hàng còn lại ở Hà Nội, TP. HCM và Hải Phòng phải sang tay một người khác", ông Linh ngậm ngùi.
Quay trở lại với cuộc đột phá của công ty trên khi thuê một đội chân dài Tây để làm mỗi công việc rót và mời uống, chuyên gia kinh tế Ngô Tự Long cho rằng: "Đây là một kiểu… chơi ngông của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Thông thường, khi một doanh nghiệp quyết định xây dựng thương hiệu trên thị trường thường đặt ra đối tượng nhắm đến để xây dựng chương trình maketing cho phù hợp.
Ở đây, từ sản phẩm đến người tiêu dùng đều là bình dân lại sử dụng một chiêu thức giới thiệu hoành tráng như vậy là quá... xa xỉ. Nhưng không loại trừ khả năng nó sẽ đem lại hiệu ứng rõ nét, đầy ấn tượng, nhất là với sản phẩm mới có nhiều đối thủ cạnh tranh".