Thậm chí kể cả khi đồng USD tăng giá, ngành sản xuất của Mỹ vẫn được hưởng lợi từ năng suất khổng lồ, thị trường lao động dồi dào, chi phí nhiên liệu thấp và một thị trường nội địa lớn đủ để tiêu thụ hết hàng hóa sản xuất ra.
Báo cáo mới đây của Oxford Economics cho thấy ngành sản xuất tại Mỹ vẫn giữ vị trí hàng đầu trên thế giới bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ gần đây của Trung Quốc .
Bất chấp những ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng giá và sự suy giảm trong ngành khai thác dầu đá phiến, mảng sản xuất của Mỹ vẫn là một trong những lĩnh vực kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo đó, sản lượng bình quân mỗi công nhân Mỹ đã tăng 40% trong khoảng 2003-2016, cao hơn tỷ lệ 25% của Đức và 30% của Anh.
Ngoài ra, báo cáo cho thấy dù năng suất sản xuất của Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian trên nhưng vẫn thấp hơn đến 80-90% so với Mỹ.
Nhờ năng suất sản xuất khổng lồ mà chi phí nhân công bình quân mỗi sản phẩm tại Mỹ giảm xuống.
Trước tình hình tăng trưởng năng suất tại Trung Quốc thấp hơn so với mức tăng lương và đồng Nhân dân tệ đang tăng giá, chi phí nhân công bình quân mỗi sản phẩm tại Trung Quốc hiện chỉ thấp hơn 4% so với Mỹ.
Tuy nhiên, ngành sản xuất tại Mỹ cũng đang có rủi ro khi năng suất những năm gần đây đang dần suy giảm và Mỹ đang có thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nếu đồng USD tiếp tục tăng giá như hiện nay thì những nhà xuất khẩu Mỹ sẽ chịu thiệt hại lớn về lợi nhuận.
Báo cáo của Oxford cho thấy nếu đồng USD tăng giá 20% nữa thì lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và khiến các mặt hàng Trung Quốc, Nhật Bản có ưu thế hơn về giá.
Những tác động tiêu cực từ Trung Quốc đang là vấn đề nóng trong chính đàn Mỹ hiện nay.
Ứng cử viên Donald Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc về việc khiến người dân Mỹ nghèo đi do chính sách “quản lý” thị trường tiền tệ và thặng dư thương mại với Mỹ.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bác bỏ những lời chỉ trích của tỷ phú Trump và cho biết mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ vẫn tốt đẹp dù ai được bầu lên làm tổng thống.