Công ty Quốc Cường Gia Lai báo lỗ
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán 9 tháng đầu năm 2012.
Theo đó, doanh thu thuần quý 3/2012 của QCG đạt 59,77 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Năm nay, QCG không có khoản giảm trừ, trong khi năm ngoái, giảm trừ doanh thu lên đến 1,92 tỷ đồng.Với giá vốn hàng bán, dịch vụ giảm từ 46,5 tỷ đồng xuống còn 40,58 tỷ đồng đã giúp tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần giảm mạnh từ 88,15% của năm ngoái xuống còn gần 68% trong quý III năm nay. Do vậy, lãi gộp quý III tăng đáng kể từ 6,25 tỷ đồng lên 19,18 tỷ đồng.
Phần áp lực nợ lên QCG dường như được giảm nhẹ hơn so quý III năm ngoái. Kỳ này, chi phí tài chính giảm còn bằng 40,7% cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay đã giảm 40%, còn hơn 11 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đã giảm, bằng 62,48% so cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chi phí khác, QCG báo lỗ ròng hợp nhất cuối quý 468 triệu đồng. Nếu so cùng kỳ, khoản lỗ này chỉ bằng 1/60 khoản lỗ mà QCG tổn thất năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, công ty lỗ 2,64 tỷ đồng so mức lãi ròng 9 tháng đầu năm 2011 là 34,4 tỷ đồng.
ACB lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do kinh doanh vàng và ngoại hối
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2012 của Ngân hàng Á Châu (ACB) đã khiến thị trường bị sốc, khi ngân hàng này lỗ đến hơn 1.144 tỉ đồng do kinh doanh vàng và ngoại hối, gấp 13 lần so với mức lỗ cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này khiến lợi nhuận trước thuế quý III của ACB âm gần 660 tỉ đồng, so với mức lãi 892 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), kinh doanh vàng và ngoại hối ở ACB bị lỗ là do đã thực hiện việc đóng trạng thái âm vàng quý III. Khi thực hiện mở trạng thái vàng, mỗi lần bán vàng ra trong nước, ACB sẽ mua lại đối ứng trên tài khoản vàng ở nước ngoài nhằm cân bằng trạng thái.
Vấn đề nằm ở chỗ, số vàng này đang được ACB xin phép Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu. Vì vậy, trong khi chờ đợi, ACB phải mua vàng trong nước để bù đắp dự trữ vàng. Do giá vàng tăng mạnh và chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới đã khiến ACB bị lỗ nặng.
Theo VCBS, với trạng thái âm vàng còn lại khoảng 100.000 lượng, nhiều khả năng ACB sẽ lỗ thêm 200 tỉ đồng trong quý IV tới.
SHB báo lỗ hơn 1.100 tỷ đồng
Sau khi sáp nhập Habubank, tính đến 30/9, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của SHB có số lỗ lũy kế 1.105 tỷ đồng, trong khi 6 tháng (thời điểm trước sáp nhập) ngân hàng lãi hơn 600 tỷ đồng.
Nguyên nhân số lỗ trên chủ yếu là do ngân hàng phải trích lập dự phòng các khoản nợ cũ của Habubank. Theo công bố từ SHB, tổng dự phòng rủi ro đã được trích lập đến 30/9/2012 là 2.103 tỷ đồng.
Theo đánh giá của SHB, kể từ thời điểm 30/9/2012, sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro đến ngày 1/11/2012, SHB đã thu hồi được hơn 1.200 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ xấu. Số tiền thu hồi nợ xấu này sẽ được tính vào hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng giúp SHB giảm lỗ. Dự kiến đến cuối năm 2012, nợ xấu của các đơn vị kinh doanh thuộc Habubank cũ sẽ giảm xuống dưới 10%.
Tính đến 31/10/2012, tổng tài sản của SHB đạt 105.431 tỷ đồng (tăng 1,58% so với 30/9/2012); Huy động vốn thị trường I đạt 71.612 tỷ đồng (tăng 2,44%); Số dư thừa vốn khả dụng được duy trì hơn 10.600 tỷ đồng đảm bảo thanh khoản tốt; Các chỉ tiêu an toàn hoạt động và thanh khoản được đảm bảo.
Petrolimex lỗ, lương nhân viên 21 triệu
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex). Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong năm 2011 tính chung toàn tập đoàn thì Petrolimex lỗ trước thuế trên 1.400 tỉ đồng, trong đó riêng khối các đơn vị kinh doanh xăng dầu lỗ cao hơn, trên 2.300 tỉ đồng.
Thị phần của Petrolimex năm 2011 chỉ còn 48%, liên tục giảm so với năm 2010 (49%), năm 2009 (50%).
Dù lỗ năm 2011 và thị phần giảm nhưng theo KTNN, tại công ty mẹ Petrolimex tổng quỹ tiền lương năm 2011 là trên 60 tỉ đồng, tăng 1,6% so với năm 2010. Thực tế tiền lương bình quân ở công ty mẹ lên tới 20,96 triệu đồng/người/tháng, bằng 1,75 lần mức lương khối văn phòng các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, lương bình quân khối kinh doanh xăng dầu (gồm công ty mẹ và 42 đơn vị thành viên) chỉ được 6,6 triệu đồng/người/tháng. KTNN cho biết dù tiền lương của Petrolimex tuân thủ các quy định hiện hành nhưng cơ chế thực hiện đã hạn chế vai trò đòn bẩy kinh tế của thu nhập, tiền trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng lỗ từ khối kinh doanh xăng dầu của Petrolimex năm 2011 là trên 2.300 tỉ đồng và nhấn mạnh thêm: nếu tính cả khoản lỗ do định giá lại các khoản đầu tư chứng khoán tại thời điểm Petrolimex chuyển thành công ty cổ phần là trên 949 tỉ đồng, tổng số lỗ Nhà nước phải xem xét “xử lý” lên tới trên 3.300 tỉ đồng.
Ông vua "chúa chổm" EVN nợ hàng trăm nghìn tỷ
Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao khẩn trương hoàn thành Đề án phát hành trái phiếu để chi trả tiền nợ đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và một số doanh nghiệp khác.
Các khoản nợ của EVN bao gồm tiền điện và tiền mua nhiên liệu. Hiện tại, EVN đã thanh toán cho PVN khoảng 1.000 tỷ đồng tiền nợ cũ từ năm 2010. Số nợ còn lại khoảng 13.000 tỷ đồng, trong đó gồm 10.000 tỷ đồng tiền mua điện và 3.000 tỷ đồng lãi vay.
Ngoài ra, EVN cũng đã thanh toán cho Vinacomin 1.500 tỷ đồng trong số gần 2.000 tỷ đồng tiền nợ. Như vậy, "nhà đèn" còn khoảng 500 tỷ đồng dư nợ đối với ngành Than. Tổng cộng, khoản tiền nợ của EVN với 2 PVN và Vinacomin còn khoảng 13.500 tỷ đồng.
Ngoài khoảng nợ trên, EVN còn đang có nhiều khoản nợ khác phải chi trả. Đặc biệt, công ty mẹ - EVN nợ nước ngoài lên tới 99.260 tỷ đồng (do vay đầu tư nhà máy điện).Nhiều người dân lo rằng EVN sẽ trở thành một Vinashine thứ hai.