Theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước, lợi nhuận toàn ngành năm 2012 sụt giảm gần 50% so với năm 2011. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận của 3 ngân hàng lớn Vietinbank, Vietcombank và BIDV gần như không thay đổi so với năm 2011 (xem biểu đồ).
Ngược lại, nhìn vào kết quả kinh doanh của 9 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2012, ngoại trừ Ngân hàng Quân đội (MBB), các ngân hàng cổ phần đều giảm lãi, có nơi giảm 60% - 70% như Ngân hàng Á Châu (ACB) hay Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Thậm chí, có đơn vị chuyển từ lãi gần nghìn tỷ sang lỗ gần 100 tỷ như Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB)... Trong số 8 ngân hàng niêm yết, Ngân hàng Nam Việt (Navibank) vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh.
SHB là đơn vị có lợi nhuận sụt giảm nhiều nhất sau khi nhận trách nhiệm tái cơ cấu và cáng đáng ngân hàng yếu kém Habubank. SHB lỗ 95 tỷ đồng trong năm tài khóa 2012 và nếu tính cả khoản lợi nhuận để lại từ năm 2011, nhà băng này mới lãi lũy kế 27 tỷ đồng đến ngày 31/12/2012.
Bù lại, theo một chuyên gia, chính nhờ mạng lưới rộng khắp của Habubank trước đây mà SHB có một năm tăng trưởng tốc độ huy động vốn ấn tượng tới 123%. Lượng tiền gửi của khách hàng tại SHB đến cuối năm đạt gần 118.000 tỷ đồng.
ACB là ngân hàng cổ phần có tốc độ lợi nhuận giảm lớn thứ hai. Khác hẳn mọi đồn đoán do sự sụt giảm lượng tiền gửi của ACB sau sóng gió khi bầu Kiên bị bắt, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm 71% là vì vàng và ngoại hối, dù đây cũng là lĩnh vực ACB từng là một "ông lớn". Trong cả năm 2012, hầu hết các khoản doanh thu của ngân hàng đều giảm, trong đó hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ 1.863 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chủ trương ngừng huy động vàng cũng là một trong những lý do khiến tổng tài sản của ACB "bốc hơi" hơn 100.000 tỷ đồng. Năm 2012, nhà băng này phải thanh toán một lượng lớn chứng chỉ tiền gửi vàng cho người dân để tất toán trạng thái vàng theo quy định. Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV. Theo đó, số dư chứng chỉ tiền gửi vàng giảm tới 28.000 tỷ trong cả năm.
Không "ngã" vì vàng và cũng không phải tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém nào nhưng Sacombank và Techcombank đều là những nhà băng lớn giảm lãi mạnh. Nguyên nhân là chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh. Cả Sacombank lẫn Techcombank đều phải "đội" thêm hơn 1.000 tỷ chi phí hoạt động trong năm 2012. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì gấp hơn 4 lần cùng kỳ 2011.
Xét về giá trị tương đối, SHB có tốc độ sụt giảm lợi nhuận lớn nhất nhưng nếu tính số lượng tuyệt đối, Techcombank lại là nhà băng lợi nhuận giảm nhiều nhất (hơn 3.000 tỷ đồng), từ 4.200 tỷ còn vỏn vẹn hơn 1.000 tỷ đồng.
Thành viên Hội đồng quản trị một ngân hàng cổ phần lý giải về chuyện thua lỗ: "Lãi suất liên tục giảm, tăng trưởng tín dụng thấp nên dễ hiểu khi chúng tôi phải giảm sâu lợi nhuận. Hơn nữa, thị trường vàng cũng gây nhiều cú sốc và dự phòng rủi ro cho nợ xấu cũng nhiều hơn năm trước".
Bên cạnh đó, các chuyên gia tài chính cũng tỏ ra không mấy ngạc nhiên với việc lợi nhuận nhà băng lao dốc và thậm chí cho rằng hiện tượng này đáng mừng hơn đáng lo. "Điều này chỉ ra một bài học là hệ thống ngân hàng Việt Nam không ổn định. Có năm thì lời to, tăng trưởng rất hoành tráng rồi năm sau lại lỗ sau", một chuyên gia nói.
Trong khi đó, Ngân hàng Quân đội là đơn vị có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất (21%) toàn ngành so với năm 2011. Lợi nhuận của Vietcombank tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước còn lãi của Vietinbank dù giảm nhẹ 2% nhưng vẫn dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống.
Nhìn lại toàn cảnh năm 2012, các chuyên gia cho rằng vẫn có những nhà băng tránh được hiện tượng lao dốc lợi nhuận. "Đó là các ngân hàng thận trọng trong phê duyệt tín dụng, không quá sa đà thực hiện các chức năng của một ngân hàng đầu tư để dễ rơi vào thua lỗ mạnh", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết.