Gia đình ông Đặng Văn Thành: Tập đoàn Thành Thành Công
Gia đình ông Đặng Văn Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc ghi dấu ấn trong 3 lĩnh vực gồm: Ngân hàng, mía đường, bất động sản.
Trước khi rút khỏi Sacombank, ông Thành là người dẫn dắt ngân hàng này phát triển trong 20 năm từ hợp tác xã tín dụng Thành Công.
Trong khi đó bà Ngọc lại được ví là nữ hoàng mía đường với việc điều hành tập đoàn mía đường có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện này là Thành Thành Công.
Thành Thành Công được ông Thành sáng lập từ 26 năm trước với xuất phát điểm là doanh nghiệp kinh doanh cồn, mật rỉ.
Qua các thương vụ mua bán sáp nhập, Thành Thành Công hiện nắm cổ phần lớn tại Đường Biên Hòa, đường Bourbon Tây Ninh, Đường Ninh Hòa,.. cũng như tham gia vào bất động sản, du lịch, năng lượng và đầu tư tài chính.
Tính đến năm 2014 tập đoàn này có 19 công ty con, 3 công ty liên kết, đóng góp ngân sách năm này đạt gần 500 tỷ đồng.
Con gái Đặng Huỳnh Ức Mi của ông Thành hiện là người kế nghiệp và giữ chức vụ chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công và thành viên HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh.
Gia đình ông Lý Ngọc Minh: Gốm sứ Minh Long
Gốm sứ Minh Long là một trong những thương hiệu gia đình danh tiếng nhất tại Việt Nam. Công ty này được ông Lý Ngọc Minh và người bạn là Dương Văn Long thành lập năm 1970.
Lúc mới thành lập hai người vừa làm chủ vừa làm thợ để theo đuổi đam mê kinh doanh gốm sứ. Năm 1990, Minh Long là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên nhận được giấy phép xuất khẩu.
Trong 5 năm sau, tỷ trọng xuất khẩu của công ty có lúc chiếm 98% sản lượng. Đến năm 1994 Minh Long chuyển sang tập trung vào thị trường nội địa.
Sau này Minh Long tách thành Minh Long 1 và Minh Long 2, ông Dương Văn Long đi theo hướng sứ công nghiệp.
Hiện gia đình ông Minh sở hữu 100% Minh Long 1. Bốn người con của ông là Lý Huy Sáng, Lý Khả Trân, Lý Huy Đạt, Lý Huy Bửu đều tham gia điều hành kinh doanh.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga: Tập đoàn BRG, Seabank, Intimex
Bà Nga khởi nghiệp kinh doanh từ những năm 1980 với ngành kinh doanh xe máy.
Bà Nga từng giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Techcombank trước khi giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Seabank. Ngoài tham gia Seabank, bà Nga còn là người đứng đầu tập đoàn đa ngành BRG.
BRG là tập đoàn kinh doanh lớn hiện đang điều hành những sân gofl lớn như Kings’s Island Golf Resort, Legend Hill Golf Resort.
Các công ty thuộc sở hữu gia đình bà Nga cũng đầu tư vào chuỗi khách sạn thương hiệu Hilton là Hilton Hanoi Opera và Hilton Hanoi Inn.
Năm 2014 bà Nga là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do tạp chí Forbes bình chọn.
Gia đình ông Vưu Khải Thành: Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (BITI’S)
Gia đình ông Vưu Khải Thành là một trong những doanh nghiệp gia đình gốc Hoa nổi tiếng tại Việt Nam bên cạnh những cái tên như Kinh Đô, Thiên Long, Minh Long, Đại Tiến Đồng,…
Ông Thành khởi nghiệp thập niên 1980, thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa với hai tổ sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành.
Hai hợp tác xác này sản xuất dép cao su xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu, sau đó phục vụ thị trường Tây Nam Trung Quốc và các nước Tây Âu.
Có thời điểm doanh thu bình quan hàng năm tại thị trường Trung Quốc của Biti’s đạt khoảng 30%.
Đến thập niên 1990, Bình Tiên chuyển hướng sang tập trung thị trường nội địa và nhanh chóng trở thành thương hiệu số 1 dành cho học sinh, thiếu nhi với thông điệp nổi tiếng “Nâng niu bàn chân Việt”.
Hiện Biti’s cũng bắt đầu tham gia vào kênh bán hàng trực tuyến.
Gia đình ông Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên: Tập đoàn Kinh Đô
Từ một xưởng sản xuất nhỏ, hai anh em gốc Hoa Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên gây dựng nên tên tuổi Kinh Đô trong ngành thực phẩm.
Bước đột phá của Kinh Đô đến từ việc 2 doanh nhân này đầu tư dây chuyền công nghiệp để sản xuất bánh trung thu- mặt hàng đem về phần lớn doanh thu cho mảng bánh kẹo của tập đoàn này.
Kinh Đô còn nổi tiếng với việc mua lại thương hiệu kem Wall’s của Unilever.
Mặc dù là ông lớn ngành bánh kẹo nhưng năm 2014 Kinh Đô quyết định bán lại mảng kinh doanh truyền thống này cho tập đoàn Mondelez với giá khoảng 370 triệu USD và chuyển dịch sang hướng mới là sản xuất dầu ăn, mì gói, bột nêm.
Thương hiệu mì gói được Kinh Đô xây dựng là Đại Gia Đình.
Thông tin mới nhất do SaigonTimes cho biết, KIDO và nhóm cổ đông liên quan sẽ nắm giữ 50% cổ phần của công ty chứng khoán Rồng Việt khi công ty này tăng vốn từ 350 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng.
Nhiều nguồn tin trên thị trường chứng khoán cho biết KIDO vẫn đang đàm phán với một số cổ đông của một ngân hàng TMCP lớn để mua lại lượng lớn cổ phần, nhưng cho đến nay các bên chưa thỏa thuận được về điều kiện và giá chuyển nhượng.